Bàng quang tăng hoạt: Khái niệm, nguyên nhân, dấu hiệu và cách chữa

Bàng quang tăng hoạt: Khái niệm, nguyên nhân, dấu hiệu và cách chữa

Bàng quang tăng hoạt – một khái niệm không quá xa lạ đối với con người chúng ta. Đây là một căn bệnh gây ảnh hưởng đến chức năng sinh lí của bàng quang gây ra những triệu chứng cơ bản như tiểu gấp, tiểu nhiều lần. Căn bệnh này khiến cho con người gặp khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày, gây nên những khó chịu cho bản thân và những người xung quanh.

Để giúp người bệnh hiểu rõ hơn về căn bệnh này cũng như nắm vững các kiến thức về phòng bệnh và chữa trị. Bài viết dưới đây sẽ giúp người đọc hiểu rõ hơn về căn bệnh này. Mong rằng sau bài viết này, chúng ta sẽ có một cái nhìn tổng thể hơn về bàng quang tăng hoạt.

Bàng quang tăng hoạt là gì?

Bàng quang tăng hoạt (tên Tiếng Anh là Overactive Bladder Syndrome) là bệnh khá phổ biến, với các triệu chứng cơ bản như tiểu gấp, tiểu không tự chủ, tiểu nhiều lần (thường thì quá 8 lần trên ngày tính từ lúc ngủ dậy cho đến khi đi ngủ vào ban đêm). Khi gặp bệnh này, người bệnh bị thôi thúc là phải đi tiểu ngay, bởi khó mà cưỡng lại được dẫn đến phát sinh rất nhiều phiền toái trong cuộc sống, công việc.

Bàng quang tăng hoạt thường xuất hiện ở những người lớn tuổi (do lão hóa), phụ nữ mang thai, đã từng mang thai (do yếu cơ sàn chậu), phụ nữ tiền mãn kinh (do thay đổi nội tiết tố), nam giới sau khi điều trị phì đại tuyến tiền liệt…

Trên thế giới hiện nay có hàng triệu người đang mắc căn bệnh này, và khá là nhiều người bệnh do tâm lý xấu hổ, e ngại nên không đến bệnh viện để điều trị mà tự mình chịu đựng trong quãng thời gian dài.

Biểu hiện của bệnh bàng quang tăng hoạt là gì?
Biểu hiện của bệnh bàng quang tăng hoạt là gì?

Nguyên nhân gây bệnh

Bàng quang tăng hoạt xuất phát từ nhiều nguyên nhân, các nguyên nhân đó dẫn tới co thắt bàng quang quá mức và mất phối hợp hoạt động giữa các cơ bàng quang với nhau, cơ thắt niệu đạo như:

  • Tổn thương tủy sống do chấn thương, bệnh xơ hóa tủy, bệnh Parkinson gây rối loạn thần kinh, đột quỵ, bệnh đái tháo đường và nhiều nguyên nhân khác.
  • Xuất hiện các khối u, sỏi bàng quang ở trong bàng quang của người bệnh.
  • U xơ tuyến tiền liệt, tác động điều trị vùng tiểu khu là các yếu tố làm cản trở dòng chảy từ bàng quang.
  • Dùng rượu hoặc các chất kích thích quá mức như rượu, bia, cà phê..
  • Nhiều nguyên nhân khác không xác định được.
Hình ảnh bàng quang bình thường và bàng quang tăng hoạt
Hình ảnh bàng quang bình thường và bàng quang tăng hoạt

Triệu chứng và biểu hiện bệnh

  • Tiểu gấp: như thế có nghĩa là cho dù người bệnh bị kích thích phải đi tiểu luôn cho dù họ muốn hay không (Điều này gây nên sự khó chịu, ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống, công việc).
  • Tiểu đêm: Có nghĩa là trước khi chưa mắc bệnh, bạn ít khi phải đi tiểu vào ban đêm, có thì cũng chỉ là một lần. Nhưng sau khi mắc bệnh này thì mỗi đêm bạn phải đi tiểu nhiều hơn một lần cho dù bạn muốn hay là không.
  • Tiểu nhiều lần: ở cơ thể người bình thường, việc một ngày đi tiểu thì rất ít, nhưng khi bạn mắc bệnh này thì số lần bạn phải đi tiểu sẽ nhiều hơn 8 lần.
  • Tiểu không tự chủ: Điều này chỉ xảy ra trong một số trường hợp, nói dễ hiểu là nước tiểu sẽ rỉ ra trước khi bạn vào nhà vệ sinh.
  • Đi tiểu không hết, mót tiểu, cảm giác tiểu dắt, hay són tiểu.

Sau khi bạn đọc đã hiểu được nguyên nhân cũng như biểu hiện của bệnh Bàng quang tăng hoạt thì hãy tham khảo phương pháp điều trị, những phương pháp sau đây hy vọng sẽ giúp quý đọc giả giải quyết được vấn đề của mình.

Phương pháp điều trị

Tùy theo mức độ nặng nhẹ và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, bác sĩ sẽ đưa ra từng cách thức điều trị khác nhau để phù hợp với từng người. Bệnh bàng quang tăng hoạt có thể tái phát sau khi chữa khỏi khi gặp những điều kiện thuận lợi.

Bệnh bàng quang tăng hoạt được điều trị theo ba bước: Bước thứ nhất: sử dụng các biện pháp để thay đổi hành vi, bước thứ 2: Sử dụng thuốc, bước 3: Sử dụng các biện pháp để can thiệp khi người bệnh không dung nạp thuốc hoặc kháng thuốc.

Bước 1: Thay đổi hành vi

Đây là bước đầu tiên trong phương pháp điều trị bằng quang tăng hoạt. Phương pháp này người bệnh có thể tự thực hiện, ưu điểm là không tốn kém nhưng mang lại hiệu quả rất tốt còn nhược điểm là yêu cầu người bệnh phải hợp tác, phải tập luyện kiên trì mới đem lại hiệu quả tốt nhất. Các biện pháp để thay đổi hành vi người bệnh gồm:

  • Giúp cho người bệnh nhận biết khi nào thì bàng quang hoạt động bình thường và khi nào, những dấu hiệu nào thì là bất thường. Tập cho người bệnh đi tiểu theo giờ, làm cho người bệnh hiểu khoảng thời gian tốt nhất giữa hai lần đi tiểu là 3 đến 4 giờ đồng hồ và không cần đi tiểu khi cảm thấy có cảm giác lạ trong bàng quang.
  • Điều chỉnh chế độ ăn uống: người bệnh nên hạn chế sử dụng các loại thực phẩm, thức uống gây kích thích bàng quang, lợi tiểu như bia, rượu, các loại thức uống có đường.
  • Điều chỉnh lượng nước uống vào hàng ngày của người bệnh: Tùy theo điều kiện làm việc của người bệnh nên khuyến nghị người bệnh chỉ uống khoảng 1 lít rưỡi nước mỗi ngày. Trước khi đi ngủ khoảng 3 – 4 tiếng hoặc sau 18h tối thì nên hạn chế uống.
  • Kết hợp các kỹ thuật tập luyện: Kìm nén, kiểm soát tiểu gấp, tập luyện co thắt cơ sàn chậu, tập luyện bàng quang, phối hợp với các biện pháp khác sẽ nâng cao hiệu quả chữa trị cho người bệnh.

Bước 2: Biện pháp dùng thuốc 

Biện pháp này sử dụng sau khi đã thực hiện biện pháp thay đổi hành vi. Việc thực hiện biện pháp này tùy thuộc vào đánh giá của bác sĩ khi đã nắm được nguyên nhân sinh ra bệnh cũng như các yếu tố nguy cơ khác.

  • Các thuốc kháng muscarin sẽ làm giảm sự co bóp các cơ bàng quang. Loại thuốc này trong quá trình thử nghiệm đã chứng minh sẽ có hiệu quả đối với việc điều trị bệnh bàng quang tăng hoạt bao gồm: darifenacin, oxybutynin, fesoterodine, tolterodine và trospium. Tác dụng phụ của các loại thuốc này là gây khô miệng, mờ mắt, nhức đầu, tim đập nhanh, nóng mặt, tao bón, khó tiêu hóa…
  • Thuốc mới mirabegron: có tác động lên cơ chóp bàng quang, loại thuốc này có tác dụng làm tăng dung tích bàng quang, làm cho bàng quang chứa được nhiều nước hơn đồng thời làm giãn cơ. Tuy nhiên, rất tiếc là loại thuốc này ở Việt Nam chưa có.
  • Một số thuốc có tác dụng lên bàng quang tăng hoạt nhưng chưa rõ cơ chế như flavoxate, nhóm thuốc chống trầm cảm ba vòng (amitriptyline, duloxetine, imipramin) và nhóm thuốc chẹn alpha (doxarosin, tamsulosin, alfuzosin,…)

Bước 3: Sử dụng các biện pháp để can thiệp khi người bệnh không dung nạp thuốc hoặc kháng thuốc.

  • Tiêm vào bàng quang thuốc onabotulinumtoxinA.
  • Kích thích thần kinh cùng: phương pháp này sẽ cấy các dây điện cực ở rễ thần kinh cùng S3, các dây điện cực này sẽ nối với một máy tạo nhịp được đặt ở dưới vùng da mông. Phương pháp này được dùng để điều trị tình trạng đọng nước tiểu ở bàng quang hoặc các triệu chứng của bàng quang tăng hoạt khác như tiểu nhiều lần, tiểu gấp, tiểu không kiểm soát…
  • Kích thích thần kinh chày: Biện pháp này có tỷ lệ thành công khá cao, từ khoảng 55 – 80%, phương pháp này ít sinh ra tác dụng phụ.
  • Phẫu thuật mở rộng bàng quang bằng ruột: Liệu pháp này chỉ định trong các trường hợp như: bàng quang có dung tích co nhỏ, độ giãn nở kém khi rối loạn chức năng bàng quang. Bên cạnh đó thì đây là phương pháp nặng nề, nhiều trường hợp người bệnh phải chịu thông tiểu sạch nên phương pháp này có thể được sử dụng sau cùng, sau khi sử dụng các biện pháp ít xâm hại hơn không thành công.
Bàng quang tăng hoạt với những khó khăn trong sinh hoạt
Bàng quang tăng hoạt với những khó khăn trong sinh hoạt

Biện pháp phòng tránh

Việc hạn chế sử dụng cà phê, bia, rượu và thăm khám bác sĩ khi cảm thấy cơ thể có những biểu hiện như trên để bác sỹ sớm đưa ra cách thức điều trị phù hợp, việc chữa trị sớm tất nhiên sẽ mang lại hiệu quả cao nhất, tốt nhất và hạn chế những biến đổi dẫn đến tình trạng khó chữa trị ở bệnh nhân.

Hi vọng với bài viết này, quý đọc giả sẽ trang bị cho mình thêm những kiến thức nhất định để phòng tránh, phòng ngừa bệnh bàng quang tăng hoạt, giúp cho bản thân, gia đình tránh được những điều không hay xảy ra làm đảo lộn cuộc sống.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *