Chóng mặt: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Chóng mặt: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Chóng mặt là cảm giác mọi thứ xung quanh bạn đang xoay tròn hoặc bạn thấy chính mình đang xoay tròn khiến bạn không thể giữ thăng bằng và dễ té ngã. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin quan trọng liên quan đến chóng mặt.

CHÓNG MẶT LÀ GÌ?

Chóng mặt là tình trạng rối loạn thăng bằng tạo ra cảm giác bản thân cảm thấy chính mình hay ngoại cảnh xung quanh đang vận động hoặc đang xoay vòng dù thực tế không có sự vận động nào.

Say tàu xe cũng có thể mang đến cảm giác tương tự, nhưng nó không thực sự là chóng mặt.

CHÓNG MẶT CÓ BAO NHIÊU LOẠI?

Chóng mặt gồm hai loại bao gồm chóng mặt ngoại biên và chóng mặt trung ương.

Chóng mặt ngoại biên

Chóng mặt ngoại biên là loại chóng mặt chúng ta thường gặp nhất. Tình trạng này xảy ra do những vấn đề tại tai trong hoặc dây thần kinh số VIII (còn gọi là dây thần kinh tiền đình ốc tai) có vai trò kiểm soát sự thăng bằng.

Chóng mặt trung ương

Chóng mặt trung ương xảy ra do những vấn đề tại não, có thể từ các nguyên nhân sau:

  • Đột quỵ
  • U não
  • Đau đầu Migraine (đau nửa đầu)
  • Chấn thương sọ não
  • Nhiễm trùng
  • Bệnh xơ cứng rải rác (còn gọi là bệnh đa xơ cứng)

NGUYÊN NHÂN CHÓNG MẶT

Các nguyên nhân phổ biến dẫn đến chóng mặt bao gồm:

  • Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (BPPV): Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra chóng mặt và tạo cảm giác chóng mặt dữ dội trong một khoảng thời gian ngắn. Những cơn chóng mặt này thường khởi phát sau sự thay đổi bất ngờ chuyển động của đầu, ví dụ như một cú đánh vào đầu bạn.
  • Sự nhiễm trùng: Có thể do viêm dây thần kinh tiền đình do vi-rút, còn gọi là viêm mê nhĩ, có thể gây chóng mặt dữ dội và liên tục.
  • Bệnh Meniere: Khi tích tụ quá mức dịch ở ống tai trong, kết quá có thể dẫn đến các cơn chóng mặt đột ngột, kéo dài trong vài giờ.
  • Đau đầu Migraine (đau nửa đầu): Chóng mặt do đau đầu Migraine có thể kéo dài vài phút đến vài giờ.
  • Chấn thương đầu hoặc cổ: Chóng mặt là một triệu chứng phổ biến sau chấn thương đầu hoặc cổ, đặc biệt nếu hệ thống tiền đình bị tổn thương.
  • Thuốc: Một số loại thuốc có thể gây ra chóng mặt, kèm theo các triệu chứng khác như choáng váng, giảm thính lực hoặc ù tai.

Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính

Mặc dù chứng bệnh này gây ra nhiều khó chịu nhưng ít được đánh giá nghiêm trọng, trừ khi nó làm tăng nguy cơ té ngã cho người bệnh.

Các triệu chứng có thể xuất hiện gồm:

  • Choáng váng
  • Cảm giác rằng bạn hoặc môi trường xung quanh đang di chuyển hoặc xoay tròn
  • Mất thăng bằng hoặc không ổn định tư thế
  • Buồn nôn
  • Nôn

Căng thẳng có thể gây chóng mặt hay không?

Mặc dù căng thẳng không là nguyên nhân trực tiếp gây chóng mặt, nhưng nó có thể làm trầm trọng thêm tình trạng chóng mặt của bạn. Một nghiên cứu vào năm 2016 cho thấy rằng tình trạng căng thẳng nghiêm trọng có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, có khả năng gây chóng mặt.

TRIỆU CHỨNG CỦA CHÓNG MẶT

Một trong những triệu chứng phổ biến nhất của chóng mặt là cảm giác choáng váng, thường nặng hơn khi cử động đầu. Người bệnh thường mô tả đó là cảm giác xoay vòng, với căn phòng hoặc đồ vật xung quanh họ dường như đang chuyển động.

Các triệu chứng khác của chóng mặt bao gồm:

  • Tăng tiết mồ hôi
  • Buồn nôn
  • Nôn
  • Đau đầu
  • Ù tai
  • Mất thính lực
  • Rung giật nhãn cầu
  • Mất thăng bằng

ĐIỀU TRỊ

Lựa chọn phương pháp điều trị chóng mặt phụ thuộc vào nguyên nhân của bệnh này. Để cải thiện các triệu chứng, các liệu pháp phục hồi chức năng tiền đình như thuốc đã được chứng minh là có hiệu quả, ví dụ như meclizine.

Thủ thuật tái định vị

Thủ thuật tái định vị lại các hạt sỏi nhỏ Canalith, còn được gọi là nghiệm pháp Epley, đây là một phương pháp giúp làm giảm triệu chứng của BPPV.

Nghiệm pháp này bao gồm một số thao tác ở vùng đầu giúp đẩy các hạt sỏi nhỏ (các hạt sỏi này là nguyên nhân dẫn đến chóng mặt) ra khỏi tai trong về vị trí không còn gây chóng mặt.

Nghiệm pháp này được thực hiện gồm bốn tư thế, với mỗi tư thế kéo dài 30 đến 60 giây và được lặp lại nhiều lần nếu cần thiết.

Bác sĩ có thể hướng dẫn bạn từng tư thế trong suốt quá trình thực hiện nghiệm pháp. Họ cũng có thể hướng dẫn bạn cách tự thực hiện nghiệm pháp này tại nhà.

Thuốc

Meclizine là thuốc kháng histamin thường được sử dụng để điều trị dị ứng.

Meclizine có hiệu quả trong điều trị say tàu xe hoặc chóng mặt. Tuy nhiên, thuốc này có thể dẫn đến lú lẫn thậm chí mất trí nhớ ở người cao tuổi.

Bài tập

Có một số bài tập được dùng để giảm bớt các triệu chứng chóng mặt. Các bài tập này bao gồm dậm chân tại chỗ hoặc thực hiện một tư thế đặc biệt (ví dụ như các động tác yoga) để cải thiện thăng bằng.

Những bài tập này tương tự như những bài tập được sử dụng trong liệu pháp phục hồi chức năng tiền đình (VRT).

VRT gồm các bài tập được thiết kế tùy theo triệu chứng của mỗi người bệnh. Sau khi đánh giá tình trạng kỹ lưỡng, một trong ba phương pháp sau được áp dụng:

  • Sự thích ứng, giúp cải thiện triệu chứng choáng váng
  • Sự ổn định về ánh nhìn, giúp kiểm soát chuyển động của mắt để tầm nhìn có thể rõ ràng trong quá trình chuyển động đầu
  • Tập thăng bằng, giúp cải thiện sự vững vàng trong đi đứng

Tuy nhiên, nếu bạn đang có tình trạng chóng mặt nghiêm trọng, tốt nhất bạn nên nhờ sự hướng dẫn của các chuyên gia về lĩnh vực vật lý trị liệu thay vì tự thực hiện các bài tập này.

Phẫu thuật

Phẫu thuật có thể là phương pháp điều trị một số bệnh lý tiềm ẩn gây tình trạng chóng mặt, chẳng hạn như u não hoặc chấn thương vùng đầu.

Có một số cách giúp giảm bớt sự khó chịu do chóng mặt một cách tự nhiên. Ví dụ như bổ sung các chất giúp cải thiện giấc ngủ trong thời điểm bạn có các cơn chóng mặt, gồm ginkgo biloba và melatonin.

Ngoài ra còn có các bài tập cải thiện chóng mặt mà bạn có thể tự tập tại nhà như bài tập Brandt-Daroff, động tác Semont và động tác Foster.

Liệu pháp tinh dầu

Tinh dầu hoa oải hương có thể giúp cải thiện tình trạng chóng mặt và buồn nôn.

Tuy nhiên, cần lưu ý là hiện chưa có nghiên cứu nào chứng minh cho việc sử dụng các loại tinh dầu để điều trị chóng mặt.

CHẨN ĐOÁN CHÓNG MẶT

Bác sĩ có thể chẩn đoán chóng mặt thông qua khám lâm sàng và hỏi bệnh sử về các triệu chứng, cũng như tiền sử bệnh lý của bạn.

Một số xét nghiệm và đánh giá trong quá trình khám có thể giúp ích cho chẩn đoán của bác sĩ, ví dụ như bài kiểm tra xoay đầu nhanh hoặc nghiệm pháp Dix-Hallpike (người bệnh sẽ được bác sĩ di chuyển nhanh từ tư thế ngồi sang nằm và quan sát chuyển động mắt).

Trong một số trường hợp, có thể cần các đánh giá bổ sung để chẩn đoán chóng mặt như các xét nghiệm hình ảnh học, kiểm tra thính giác và kiểm tra thăng bằng.

CHÓNG MẶT KÉO DÀI BAO LÂU?

Các dấu hiệu và triệu chứng của chóng mặt tư thế kịch phát lành tính có thể đến và đi trong vòng dưới một phút.

Trong trường hợp mắc bệnh Meniere, một cơn chóng mặt có thể kéo dài hơn 20 phút.

Tình trạng chóng mặt do đau đầu Migraine (đau nửa đầu) có thể kéo dài vài phút đến vài giờ.

CHÓNG MẶT VÀ CHOÁNG VÁNG KHÁC NHAU NHƯ THẾ NÀO?

Mặc dù chóng mặt và choáng váng thường bị nhầm lẫn, nhưng chóng mặt thường được mô tả với cảm giác như mọi thứ xung quanh đang xoay, ngay cả khi bạn không chuyển động.

Mặc dù choáng váng là một thuật ngữ còn khá mơ hồ, người bệnh thường nghĩ rằng nó là cảm giác mất cân bằng trong không gian quanh họ.

CHÓNG MẶT KHI MANG THAI

Theo một nghiên cứu năm 2020, chóng mặt là triệu chứng liên quan đến tiền đình phổ biến trong ba tháng đầu thai kỳ.

BPPV rất thường gặp trong thời kỳ mang thai. Theo nghiên cứu vào năm 2017, với đối tượng tham gia nghiên cứu bao gồm cả nam và nữ, BPPV ảnh hưởng đến phụ nữ hơn nam giới với tỉ lệ 2:1.

Các yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng chóng mặt khi mang thai bao gồm:

  • Dao động nồng độ hormone trong cơ thể
  • Thời gian nghỉ ngơi một chỗ kéo dài
  • Những thay đổi trong chuyển hóa dinh dưỡng, trong đó có vitamin D và canxi

Nhiều thai phụ cũng phàn nàn về vấn đề choáng váng lúc mang thai. Điều này có thể do một số yếu tố gây ra, chẳng hạn như lượng đường trong máu không ổn định.

Trong tam cá nguyệt thứ ba, em bé có thể gây áp lực lên một số tĩnh mạch chính ở bụng mẹ khi thai phụ nằm ngửa, điều này cũng có thể gây chóng mặt.

CHÓNG MẶT CÓ DI TRUYỀN KHÔNG?

Trong một số trường hợp, chóng mặt cũng có thể do di truyền. Tình trạng chóng mặt này còn được gọi là chóng mặt tái phát lành tính gia đình, chóng mặt di truyền là một dạng chóng mặt liên quan mật thiết đến cơn đau nửa đầu.

KẾT LUẬN

Chóng mặt có thể do nhiều yếu tố gây ra, bao gồm nhiễm trùng, đau nửa đầu, chấn thương và một số tình trạng sức khỏe khác.

Điều trị nguyên nhân cơ bản gây ra chóng mặt là cách hiệu quả nhất để giảm bớt sự khó chịu và cải thiện triệu chứng lâu dài. Ngoài ra còn có nhiều biện pháp khắc phục tại nhà, các bài tập và thuốc cũng có thể giúp ích cho bạn.

Nếu bạn bị chóng mặt, tốt nhất nên đến gặp bác sĩ để xác định nguyên nhân và đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp cho bạn.

Nguồn bài dịch:

  • Vertigo: Symptoms, Causes, Treatment, and More (2023)

https://www.healthline.com/health/vertigo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *