Mọi thứ bạn cần biết về béo phì

Béo phì là một tình trạng bệnh lý đáng báo động ở cộng đồng hiện nay. Hậu quả mà béo phì mang lại không đơn giản chỉ là việc tăng cân, mà quan trọng là các bệnh lý liên quan hay các biến chứng mà nó mang lại. Bài viết giúp bạn tìm hiểu về nguyên nhân, cách kiểm soát cũng như phòng ngừa béo phì một cách tổng quan nhất có thể.

BÉO PHÌ LÀ GÌ?

Chỉ số khối cơ thể (BMI) là một công thức sử dụng cân nặng và chiều cao của một người để đo kích thước cơ thể.

Ở người lớn, béo phì được định nghĩa là có chỉ số BMI từ 30 trở lên, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC).

Béo phì có liên quan đến nguy cơ cao mắc các bệnh lý khác chẳng hạn như bệnh đái tháo đường típ 2, bệnh tim mạch và ung thư.

Béo phì khá phổ biến trong cộng đồng. CDC ước tính rằng 42.4% Người Mỹ từ 20 tuổi trở lên mắc bệnh béo phì trong năm 2017 đến 2018.

Nhưng chỉ số BMI không phải là tất cả. Chỉ số BMI có một số hạn chế nhất định.

Theo CDC: “Các yếu tố như tuổi tác, giới tính, dân tộc và khối lượng cơ bắp có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa chỉ số BMI và lượng mỡ trong cơ thể. Ngoài ra, chỉ số BMI không phân biệt mỡ thừa, cơ bắp hay khối lượng xương, cũng như không cung cấp bất kỳ dấu hiệu nào về sự phân bố mỡ giữa các vùng của cơ thể.”

Bất chấp những hạn chế này, BMI vẫn tiếp tục được sử dụng rộng rãi như một cách để đo kích thước cơ thể.

BÉO PHÌ ĐƯỢC PHÂN LOẠI NHƯ THẾ NÀO?

Cách phân loại sau đây được sử dụng cho người lớn từ 20 tuổi trở lên:

BMIPhân loại
18.5 hoặc nhỏ hơnThiếu cân
18.5 đến < 25Bình thường
25 đến < 30Thừa cân
30 đến < 35Béo phì độ 1
35 đến < 40Béo phì độ 2
40 hoặc lớn hơnBéo phì độ 3 (còn được biết đến là béo phì nặng hay nghiêm trọng)

BÉO PHÌ Ở TRẺ EM LÀ GÌ?

Để chẩn đoán trẻ trên 2 tuổi hoặc thanh thiếu niên mắc béo phì, chỉ số BMI của chúng phải ở bách phân vị thứ 95 đối với những trẻ cùng độ tuổi và giới tính:

Thang đo bách phân vị BMIPhân loại
>5%Thiếu cân
5% đến <85%Bình thường
85% đến <95%Thừa cân
95% hoặc hơnBéo phì

Từ năm 2015 đến năm 2016, 18.5% (hoặc khoảng 13,7 triệu) thanh niên Mỹ từ 2 đến 19 tuổi được coi là mắc bệnh béo phì.

NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN BÉO PHÌ

Lượng calo ăn vào nhiều hơn lượng calo tiêu thụ trong hoạt động và tập thể dục hàng ngày, về lâu dài có thể dẫn đến béo phì. Theo thời gian, lượng calo dư thừa này sẽ tăng lên và gây tăng cân.

Nhưng không phải lúc nào cũng chỉ liên quan đến chênh lệch lượng calo nạp vào và tiêu thụ, hay lối sống tĩnh tại. Mặc dù đó thực sự là những nguyên nhân gây béo phì, nhưng vẫn còn một số nguyên nhân khác không thể thay đổi được.

Các nguyên nhân cụ thể của bệnh béo phì thường gặp bao gồm:

  • Di truyền, có thể ảnh hưởng đến việc chuyển hóa thức ăn thành năng lượng và cách dự trữ chất béo.
  • Lão hóa, có thể dẫn đến khối lượng cơ bắp ít hơn và tốc độ trao đổi chất chậm hơn, khiến bạn dễ tăng cân hơn.
  • Thiếu ngủ, điều này có thể dẫn đến thay đổi nội tiết tố khiến bạn cảm thấy đói hơn và thèm ăn một số loại thực phẩm giàu calo.
  • Mang thai, vì trọng lượng tăng lên khi mang thai có thể khó giảm xuống và cuối cùng có thể dẫn đến béo phì.

Một số tình trạng sức khỏe khác cũng có thể dẫn đến tăng cân béo phì, bao gồm:

  • Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), một tình trạng gây mất cân bằng nội tiết tố nữ.
  • Hội chứng Prader-Willi, một tình trạng hiếm gặp khi mới sinh gây ra tình trạng đói quá mức.
  • Hội chứng Cushing, một tình trạng gây ra do nồng độ cortisol cao (hormone gây căng thẳng) trong cơ thể.
  • Suy giáp (tuyến giáp hoạt động kém), là tình trạng tuyến giáp không sản xuất đủ một số hormone quan trọng.
  • Viêm khớp (OA) và các tình trạng khác gây đau có thể dẫn đến giảm hoạt động.

AI CÓ NGUY CƠ BÉO PHÌ?

Sự kết hợp nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ béo phì.

Di truyền

Một số người có gen khiến họ khó giảm cân.

Môi trường và cộng đồng

Môi trường sống ở nhà, ở trường và trong cộng đồng của bạn đều có thể ảnh hưởng đến cách ăn uống, loại thức ăn cũng như mức độ năng động của bạn.

Bạn có thể có nguy cơ béo phì cao hơn nếu bạn:

  • Sống trong môi trường có ít lựa chọn thực phẩm tốt cho sức khỏe hoặc có nhiều lựa chọn thực phẩm giàu calo, như nhà hàng thức ăn nhanh.
  • Chưa học cách nấu những bữa ăn lành mạnh.
  • Không nghĩ đến việc mua thực phẩm lành mạnh hơn.
  • Chưa tìm thấy một nơi để vui chơi, đi bộ hoặc tập thể dục ở khu vực bạn sinh sống.

Tâm lý và các yếu tố khác

Trầm cảm đôi khi có thể dẫn đến tăng cân, vì một số người có thể tìm đến thức ăn để cảm thấy thoải mái. Một số thuốc chống trầm cảm cũng có thể làm tăng nguy cơ tăng cân.

Bỏ hút thuốc luôn là một điều tốt, nhưng bỏ thuốc cũng có thể dẫn đến tăng cân. Ở một số người, nó có thể dẫn đến tăng cân quá mức. Vì lý do đó, điều quan trọng là phải tập trung vào chế độ ăn kiêng và tập thể dục trong khi bạn bỏ thuốc, ít nhất là sau giai đoạn cai thuốc ban đầu.

Các loại thuốc, chẳng hạn như steroid hoặc thuốc tránh thai, cũng có thể làm tăng nguy cơ tăng cân.

CHẨN ĐOÁN BÉO PHÌ NHƯ THẾ NÀO?

BMI là phép tính sơ bộ về cân nặng của một người so với chiều cao của họ.

Các biện pháp khác chính xác hơn về mỡ cơ thể và phân bố mỡ cơ thể bao gồm:

  • Kiểm tra độ dày nếp gấp da.
  • Đo chỉ số eo hông.
  • Xét nghiệm hình ảnh học như: siêu âm, CT-scan và MRI.

Bác sĩ cũng có thể chỉ định một số xét nghiệm để giúp chẩn đoán các nguy cơ sức khỏe liên quan đến béo phì bao gồm:

  • Xét nghiệm máu để kiểm tra mức cholesterol (mỡ máu) và glucose (đường máu).
  • Xét nghiệm chức năng gan.
  • Tầm soát đái tháo đường.
  • Xét nghiệm chức năng tuyến giáp.
  • Xét nghiệm đánh giá tim mạch như điện tâm đồ (ECG hoặc EKG).

Số đo lượng mỡ quanh eo cũng là một yếu tố dự báo về nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến béo phì.

CÁC BIẾN CHỨNG CỦA BÉO PHÌ LÀ GÌ?

Béo phì có thể dẫn đến nhiều biến chứng hơn chứ không chỉ đơn giản là tăng cân.

Tỷ lệ mỡ trong cơ thể cao so với cơ bắp sẽ gây căng thẳng cho xương cũng như các cơ quan nội tạng trong cơ thể. Nó cũng làm tăng tình trạng viêm trong cơ thể, được cho là một yếu tố nguy cơ gây ung thư. Béo phì cũng là một yếu tố nguy cơ chính đối với bệnh đái tháo đường típ 2.

Béo phì có liên quan đến một số biến chứng về sức khỏe, một số biến chứng có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị:

  • Bệnh đái tháo đường típ 2;
  • Bệnh tim mạch;
  • Tăng huyết áp;
  • Một số bệnh ung thư (vú, đại tràng và nội mạc tử cung);
  • Đột quỵ;
  • Bệnh túi mật;
  • Gan nhiễm mỡ;
  • Tăng cholesterol;
  • Ngưng thở khi ngủ và các vấn đề về hô hấp khác;
  • Viêm khớp;
  • Hiếm muộn.

BÉO PHÌ ĐIỀU TRỊ NHƯ THẾ NÀO?

Nếu bạn bị béo phì và không thể tự giảm cân, thì luôn có sự trợ giúp y tế. Bắt đầu với bác sĩ tổng quát có thể giới thiệu bạn đến các chuyên gia về cân nặng.

Bác sĩ cũng có thể muốn làm việc với một nhóm để giúp bạn giảm cân. Nhóm đó có thể bao gồm chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ điều trị hoặc nhân viên y tế khác.

Bác sĩ sẽ đưa ra kế hoạch thay đổi lối sống cần thiết. Đôi khi, bác sĩ có thể sẽ kê đơn thuốc hoặc đề nghị phẫu thuật .

NHỮNG THAY ĐỔI HÀNH VI VÀ LỐI SỐNG ĐỂ GIÚP GIẢM CÂN?

Bác sĩ sẽ tư vấn về lựa chọn thực phẩm, kế hoạch ăn uống lành mạnh phù hợp với bạn.

Tập thể dục có kế hoạch và tăng cường hoạt động hàng ngày, lên đến 300 phút mỗi tuần, sẽ giúp xây dựng sức mạnh, sức bền và sự trao đổi chất của bạn.

Các nhóm tư vấn hoặc hỗ trợ cũng có thể xác định các tác nhân gây hại cho sức khỏe và giúp bạn đối phó với bất kỳ vấn đề lo lắng, trầm cảm hoặc ăn uống theo cảm xúc nào.

Thay đổi hành vi và lối sống là những phương pháp giảm cân thích hợp cho trẻ em, trừ khi chúng quá thừa cân.

NHỮNG LOẠI THUỐC ĐƯỢC KÊ ĐƠN ĐỂ GIẢM CÂN?

Bác sĩ của bạn cũng có thể kê toa một số loại thuốc giảm cân kèm theo kế hoạch ăn uống và tập thể dục.

Thuốc thường chỉ được kê đơn nếu các phương pháp giảm cân khác không hiệu quả và chỉ số BMI từ 27,0 trở lên cùng với các vấn đề sức khỏe liên quan đến béo phì.

Thuốc giảm cân được kê đơn giúp ngăn chặn sự hấp thụ chất béo hoặc ngăn chặn sự thèm ăn. Những thuốc sau đây được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) chấp thuận cho sử dụng lâu dài (ít nhất 12 tuần):

  • Phentermine/topiramate (Qsymia);
  • Naltrexone/bupropion (Contrave);
  • Liraglutide (Saxenda);
  • Orlistat (Alli, Xenical), loại duy nhất được FDA chấp thuận sử dụng cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên.

Những loại thuốc này có thể có tác dụng phụ khó chịu. Ví dụ, orlistat có thể dẫn đến đại tiện phân nhầy mỡ, đại tiện gấp và đầy hơi.

Bác sĩ sẽ theo dõi sát khi bạn sử dụng thuốc.

CÁC LOẠI PHẪU THUẬT GIẢM CÂN LÀ GÌ?

Phẫu thuật giảm cân thường được gọi là phẫu thuật béo phì.

Loại phẫu thuật này hoạt động bằng cách hạn chế lượng thức ăn bạn có thể ăn hoặc ngăn cơ thể hấp thụ thức ăn và calo. Đôi khi nó có thể làm cả hai.

Phẫu thuật giảm cân không phải là một điều trị nhanh chóng. Đó là một cuộc phẫu thuật lớn và có thể có những rủi ro nghiêm trọng. Sau đó, những người trải qua phẫu thuật sẽ cần thay đổi cách ăn và lượng thức ăn, nếu không họ có nguy cơ bị bệnh.

Tuy nhiên, các lựa chọn không phẫu thuật không phải lúc nào cũng hiệu quả trong việc giúp những người béo phì giảm cân và giảm nguy cơ mắc các bệnh đi kèm.

Các loại phẫu thuật giảm cân bao gồm:

  • Phẫu thuật nối tắt dạ dày: Trong thủ thuật này, bác sĩ phẫu thuật tạo ra một túi nhỏ ở phía trên dạ dày nối trực tiếp với ruột non. Thức ăn và chất lỏng đi qua túi và vào ruột, bỏ qua phần lớn dạ dày. Nó còn được gọi là phẫu thuật nối tắt dạ dày Roux-en-Y (RYGB).
  • Phẫu thuật nội soi thắt đai dạ dày (LAGB): LAGB tách dạ dày của bạn thành hai túi bằng một đai.
  • Phẫu thuật cắt dạ dày: Thủ tục này loại bỏ một phần dạ dày của bạn.
  • Chuyển dòng mật tụy với nút tá tràng: Thủ tục này loại bỏ hầu hết dạ dày của bạn.

ĐỐI TƯỢNG PHẪU THUẬT

Trong nhiều thập kỷ, các chuyên gia khuyến cáo rằng các đối tượng cho phẫu thuật giảm cân nên có chỉ số BMI ít nhất là 35,0 (béo phì độ 2 và 3).

Tuy nhiên, trong hướng dẫn năm 2018, Hiệp hội Phẫu thuật Chuyển hóa và Giảm béo Hoa Kỳ (ASMBS) đã chứng minh phẫu thuật giảm cân cho người lớn có chỉ số BMI từ 30,0 đến 35,0 (béo phì độ 1) với:

  • Có bệnh đi kèm liên quan, đặc biệt là đái tháo đường típ 2.
  • Không thấy hiệu quả của phương pháp điều trị không phẫu thuật, chẳng hạn như ăn uống và điều chỉnh lối sống.

Đối với những người béo phì độ 1, phẫu thuật có hiệu quả nhất đối với những người trong độ tuổi từ 18 đến 65 tuổi.

Mọi người thường sẽ phải giảm cân trước khi trải qua phẫu thuật. Ngoài ra, thông thường họ sẽ được tư vấn để đảm bảo rằng đã chuẩn bị sẵn sàng về mặt tinh thần cho cuộc phẫu thuật và sẵn sàng thực hiện những thay đổi lối sống cần thiết mà cuộc phẫu thuật yêu cầu.

Chỉ có một số trung tâm phẫu thuật ở Hoa Kỳ thực hiện các thủ thuật này cho trẻ em dưới 18 tuổi.

CÁCH NGĂN NGỪA BÉO PHÌ

Đã có sự gia tăng đáng kể về bệnh béo phì và các bệnh liên quan đến béo phì trong vài thập kỷ qua. Đây là lý do tại sao các cộng đồng và chính phủ đang nhấn mạnh vào các hoạt động và lựa chọn thực phẩm lành mạnh hơn để giúp đẩy lùi tình trạng béo phì.

Ở cấp độ cá nhân, bạn có thể giúp ngăn ngừa tăng cân và béo phì bằng cách lựa chọn lối sống lành mạnh hơn:

  • Đặt mục tiêu tập thể dục vừa phải như đi bộ, bơi lội hoặc đi xe đạp trong 20 đến 30 phút mỗi ngày.
  • Ăn uống tốt bằng cách chọn thực phẩm bổ dưỡng, như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và lean protein (protein nạc).
  • Ăn tiết chế các loại thực phẩm giàu chất béo và nhiều calo.

Nguồn bài dịch:

  • Obesity (2023)

https://www.healthline.com/health/obesity

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *