Hen phế quản (hen suyễn): Triệu chứng, điều trị, và cách phòng ngừa

Hen phế quản (hen suyễn): Triệu chứng, điều trị, và cách phòng ngừa

BỆNH HEN PHẾ QUẢN LÀ GÌ?

Hen phế quản là một bệnh lý hô hấp đặc trưng bởi triệu chứng viêm đường dẫn khí đến phổi. Bệnh gây khó thở và có thể khiến một số hoạt động thể chất trở nên khó khăn hoặc thậm chí là không thể thực hiện được.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh Hoa Kỳ (USCDC), khoảng 25 triệu người Mỹ mắc bệnh hen phế quản. Đây là tình trạng bệnh lý mãn tính phổ biến nhất ở trẻ em Mỹ: cứ 12 trẻ thì có 1 trẻ mắc bệnh hen phế quản.

Để hiểu bệnh hen phế quản, chúng ta cần tìm hiểu một chút về những gì xảy ra khi trong quá trình hít thở. Thông thường, với mỗi hơi thở của bạn, không khí sẽ đi qua mũi hoặc miệng, xuống cổ họng và vào đường thở, cuối cùng đến phổi.

Có rất nhiều đường dẫn khí nhỏ trong phổi giúp đưa oxy từ không khí vào máu.

Các triệu chứng hen phế quản xảy ra khi niêm mạc đường thở bị viêm, sưng tấy và các cơ xung quanh co thắt lại. Chất nhầy tăng tiết sau đó lấp đầy đường thở, làm giảm lượng không khí có thể đi qua.

Sau đó, tình trạng này có thể gây ra “cơn hen cấp tính”, bao gồm triệu chứng ho và tức ngực, là những dấu hiệu đặc trưng của bệnh hen phế quản.

TRIỆU CHỨNG

Triệu chứng phổ biến nhất của bệnh hen phế quản là thở khò khè, bao gồm những tiếng thở rít hoặc tiếng thở như huýt sáo, xuất hiện khi bạn hít vào, thở ra hoặc là cả hai.

Các triệu chứng hen phế quản khác có thể bao gồm:

  • Ho, đặc biệt là vào ban đêm, ho khi cười hoặc khi tập thể dục
  • Tức ngực
  • Hụt hơi
  • Khó nói chuyện
  • Lo lắng hoặc hoảng sợ
  • Mệt mỏi
  • Đau tức ngực
  • Thở nhanh
  • Thường xuyên nhiễm trùng đường hô hấp trên
  • Khó ngủ

Dựa vào những triệu chứng mà bạn đang mắc phải có thể xác định được phân loại của hen phế quản.

Một số người phải chịu đựng các triệu chứng của bệnh hen phế quản liên tục trong suốt cả ngày. Một số người khác lại cho thấy các triệu chứng của họ nặng lên trong những hoạt động thể chất nhất định.

Không phải tất cả mọi người bị hen phế quản sẽ phải trải qua những triệu chứng đặc biệt này. Nếu bạn nghĩ rằng các triệu chứng mà bạn gặp phải có thể là dấu hiệu của một tình trạng như hen phế quả, hãy đi khám bác sĩ.

Ngoài ra, hãy nhớ rằng ngay cả khi bệnh hen phế quản của bạn được kiểm soát tốt, thỉnh thoảng bạn vẫn có thể gặp phải những đợt phát bệnh cấp tính. Các đợt hen phế quản cấp tính thường được cải thiện khi sử dụng các biện pháp điều trị tác dụng nhanh, chẳng hạn như thuốc xịt, nhưng có thể cần phải được chăm sóc y tế trong những trường hợp nặng hoặc nghiêm trọng.

Các dấu hiệu của một đợt phát bệnh hen phế quản cấp tính có thể bao gồm:

  • Ho
  • Thở khò khè
  • Chảy nhiều dịch họng
  • Khó ngủ
  • Đau ngực hoặc tức ngực
  • Mệt mỏi

Nếu các triệu chứng của bạn xấu đi hoặc không cải thiện khi sử dụng ống xịt hen, bạn nên tìm cách đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị.

Bạn cũng nên tìm cách để được khám và điều trị nếu bạn gặp phải các triệu chứng của bệnh hen phế quản cấp tính, bao gồm:

  • Khó thở trầm trọng
  • Thở hổn hển
  • Mất tỉnh táo
  • Chóng mặt
  • Khó đi lại hoặc nói chuyện
  • Môi hoặc móng tay nhợt nhạt
  • Môi hoặc móng tay chuyển màu xanh

NGUYÊN NHÂN VÀ KHỞI PHÁT

Mặc dù bệnh hen phế quản  đặc biệt phổ biến ở trẻ em, nhưng một số người không có biểu hiện bệnh này cho đến khi trưởng thành.

Hiện nay, nguyên nhân gây bệnh hen phế quản chưa xác định rõ ràng. Thay vào đó, các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng căn bệnh này được gây ra bởi nhiều yếu tố, bao gồm:

  • Di truyền: Nếu cha mẹ hoặc anh chị em mắc bệnh hen phế quản, bạn có nhiều khả năng mắc bệnh này.
  • Tiền sử nhiễm virus: Những người có tiền sử nhiễm vi-rút nghiêm trọng trong thời thơ ấu, chẳng hạn như nhiễm vi-rút hợp bào hô hấp (Respiratory Syncytial Virus – RSV), có thể có nhiều khả năng mắc bệnh này hơn.
  • Lý thuyết về điều kiện vệ sinh: Điều này được giải thích là khi trẻ sơ sinh không tiếp xúc với đủ nhiều với vi khuẩn trong những tháng và năm đầu đời, hệ thống miễn dịch của những đứa trẻ này không đủ mạnh để chống lại bệnh hen phế quản và các tình trạng dị ứng khác.

Nhiều yếu tố cũng có thể gây khởi phát bệnh hen phế quản và khiến các triệu chứng trầm trọng hơn. Các tác nhân gây hen phế quản có thể khác nhau và một số người có thể nhạy cảm với một số tác nhân nhất định hơn những người khác.

Các yếu tố khởi phát thường gặp nhất bao gồm:

  • Tình trạng sức khỏe, chẳng hạn như nhiễm trùng đường hô hấp
  • Tập thể dục
  • Chất kích ứng từ môi trường
  • Dị nguyên (Chất gây dị ứng)
  • Cảm giác nhạy cảm
  • Điều kiện thời tiết khắc nghiệt
  • Các loại sâu bệnh
  • Một số loại thuốc, bao gồm aspirin hoặc thuốc kháng viêm không steroid (Nonsteroidal Anti-Inflammatory Drugs – NSAID)

CHẨN ĐOÁN VÀ PHÂN LOẠI

Không có xét nghiệm hoặc kiểm tra đơn lẻ nào có thể xác định xem bạn hoặc con bạn có bị hen phế quản hay không. Thay vào đó, bác sĩ sẽ sử dụng nhiều tiêu chí khác nhau để xác định xem các triệu chứng có phải là hậu quả gây ra bởi bệnh hen phế quản hay không.

Những điều sau đây có thể giúp chẩn đoán bệnh hen phế quản:

  • Tiền sử bệnh: Nếu bạn có thành viên gia đình bị các bệnh rối loạn đường hô hấp, nguy cơ mắc bệnh của bạn sẽ cao hơn. Thông báo cho bác sĩ của bạn về yếu tố di truyền này.
  • Khám sức khỏe: Bác sĩ sẽ lắng nghe nhịp thở của bạn bằng ống nghe. Bạn cũng có thể được kiểm tra da để tìm các dấu hiệu của phản ứng dị ứng, chẳng hạn như nổi mề đay hoặc chàm. Dị ứng làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen phế quản.
  • Kiểm tra chức năng thở: Đo chức năng hô hấp (Pulmonary function tests – PFTs) đo luồng không khí vào và ra phổi của bạn. Ngoài ra, một phép đo phổ biến nhất là Hô hấp ký (Spirometry), bạn sẽ thổi được vào thiết bị để đo tốc độ của luồng không khí.

Các bác sĩ thường không thực hiện các bài kiểm tra đánh giá khả năng thở ở trẻ em dưới 5 tuổi vì khó có được kết quả chính xác.

Thay vào đó, họ có thể kê đơn thuốc điều trị hen phế quản cho con bạn và chờ xem các triệu chứng có cải thiện hay không. Nếu có, con bạn có thể bị hen phế quản.

Đối với người lớn, bác sĩ có thể kê đơn thuốc giãn phế quản hoặc thuốc điều trị hen phế quản khác nếu kết quả xét nghiệm cho thấy xác định bệnh hen phế quản. Nếu các triệu chứng cải thiện khi sử dụng thuốc này, bác sĩ sẽ tiếp tục coi tình trạng của bạn là bệnh hen phế quản.

Bác sĩ cũng sẽ cần xác định loại hen phế quản mà bạn mắc phải. Loại phổ biến nhất là hen phế quản dị ứng, chiếm 60% trong số tất cả các trường hợp mắc hen.

Các phân loại hen phế quản khác có liên quan đến giai đoạn của mỗi người trong cuộc đời. Mặc dù bệnh hen phế quản có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng bệnh hen trẻ em đặc biệt ảnh hưởng xuất hiện ở trẻ nhỏ và bệnh hen phế quản khởi phát ở người trưởng thành thường không xuất hiện trong thời thơ ấu.

Các phân loại hen phế quản cụ thể khác được mô tả dưới đây.

Hen phế quản do dị ứng (Allergic asthma)

Các chất gây dị ứng là tác nhân gây ra loại bệnh hen phổ biến này. Chúng có thể bao gồm:

  • Vẩy da thú cưng từ động vật như mèo và chó
  • Đồ ăn
  • Mốc
  • Phấn hoa
  • Bụi

Hen phế quản do dị ứng thường theo mùa vì nó đi đôi với dị ứng theo mùa.

Hen phế quản không do dị ứng (Non-allergic asthma)

Các chất kích thích trong không khí không liên quan đến dị ứng gây ra loại hen phế quản này. Những chất kích thích này có thể bao gồm:

  • Đốt củi
  • Khói thuốc lá
  • Không khí lạnh
  • Ô nhiễm không khí
  • Bệnh do virus
  • Không khí lạnh
  • Chất thải từ hóa chất tẩy rửa gia dụng
  • Nước hoa

Hen nghề nghiệp (Occupational asthma)

Bệnh hen nghề nghiệp là một loại bệnh hen gây ra bởi các tác nhân tại nơi làm việc. Bao gồm:

  • Bụi
  • Thuốc nhuộm
  • Khí và khói
  • Hóa chất công nghiệp
  • Protein động vật
  • Mủ cao su

Những chất gây kích ứng này có thể tồn tại trong nhiều ngành công nghiệp, bao gồm:

  • Nông nghiệp
  • Dệt may
  • Chế biến gỗ
  • Chế tạo

Co thắt phế quản do vận động (Exercise-induced bronchoconstriction)

Co thắt phế quản do vận động thường ảnh hưởng đến mọi người trong vòng vài phút sau khi bắt đầu tập thể dục và tối đa 10 đến 15 phút sau khi hoạt động thể chất.

Tình trạng này trước đây được gọi là co thắt phế quản do vận động (Exercise-induced bronchoconstriction).

Khoảng 90% những người mắc bệnh hen phế quản cũng có tình trạng co thắt phế quản do vận động, nhưng không phải ai mắc co thắt phế quản do vận động cũng sẽ bị các loại bệnh hen phế quản khác.

Hen phế quản do aspirin (Aspirin-induced asthma)

Hen phế quản do aspirin (Aspirin-induced asthma), còn được gọi là bệnh bệnh hô hấp kịch phát do aspirin (AERD), thường rất nghiêm trọng.

Bệnh này khởi phát do dùng aspirin hoặc thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) khác, chẳng hạn như naproxen (Aleve) hoặc ibuprofen (Advil).

Các triệu chứng có thể bắt đầu trong vòng vài phút hoặc vài giờ. Những người mắc hen phế quản do aspirin cũng thường có polyp tại mũi.

Khoảng 9% những người mắc bệnh hen phế quản do aspirin. Bệnh thường phát triển và tiến triển đột ngột ở người lớn trong độ tuổi từ 20 đến 50.

Hen phế quản về đêm (Nocturnal asthma)

Trong loại hen phế quản này, các triệu chứng trở nên nặng nề hơn vào ban đêm.

Các tác nhân được cho là gây ra các triệu chứng vào ban đêm bao gồm:

  • Ợ hơi nóng
  • Vẩy da thú cưng
  • Mạt bụi

Chu kỳ giấc ngủ tự nhiên của cơ thể cũng có thể gây ra bệnh hen phế quản về đêm.

Hen phế quản dạng ho (Cough-variant asthma)

Bệnh hen phế quản dạng ho (CVA) không có các triệu chứng hen phế quản cổ điển như thở khò khè và khó thở. Bệnh được đặc trưng bởi ho khan, dai dẳng.

Nếu không được điều trị, hen phế quản dạng ho  có thể dẫn đến bùng phát cơn hen phế quản toàn phát bao gồm các triệu chứng phổ biến khác.

ĐIỀU TRỊ

Để giúp điều trị bệnh hen phế quả, Chương trình Giáo dục và Phòng ngừa Bệnh Phế quản Quốc gia tại Hoa Kỳ (National Asthma Education and Prevention Program – NAEPP) đã phân loại tình trạng bệnh dựa trên mức độ nghiêm trọng trước khi điều trị.

Phân loại hen phế quản bao gồm:

  • Mức thỉnh thoảng: Hầu hết những người mắc loại hen phế quản ở mức độ này không bị ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày. Các triệu chứng nhẹ, kéo dài ít hơn 2 ngày mỗi tuần hoặc 2 đêm mỗi tháng.
  • Mức liên tục nhẹ: Các triệu chứng xảy ra hơn hai lần một tuần — nhưng không phải hàng ngày — và lên đến 4 đêm mỗi tháng.
  • Mức liên tục vừa phải: Các triệu chứng xảy ra hàng ngày và ít nhất 1 đêm mỗi tuần, nhưng không xảy ra hàng đêm. Họ có thể hạn chế một số hoạt động hàng ngày.
  • Mức dai dẳng nặng: Các triệu chứng xảy ra nhiều lần mỗi ngày và hầu hết các đêm. Việc thực hiện các hoạt động hàng ngày là vô cùng hạn chế.

Các phương pháp điều trị bệnh hen phế quản được chia thành bốn phân nhóm chính:

  • Thuốc xử lý cơn hen nhanh
  • Thuốc kiểm soát hen phế quản dài hạn
  • Kết hợp giữa thuốc xử lý cơn hen nhanh và thuốc kiểm soát hen phế quản dài hạn. Các hướng dẫn lâm sàng về bệnh hen phế quản mới nhất, được phát hành vào năm 2020 bởi NAEPP, khuyến nghị phương pháp điều trị này. Tuy nhiên, phương pháp điều trị này vẫn chưa được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (Food and Drug Administration) phê duyệt.
  • Thuốc tương tự sinh học (biologics), được tiêm hoặc truyền thường chỉ dành cho các dạng hen phế quản nặng

Các bác sĩ sẽ đề nghị một phương pháp điều trị hoặc kết hợp các phương pháp điều trị dựa trên:

  • Phân loại hen phế quản mắc phải
  • Tuổi
  • Quá trình khởi phát

Kế hoạch điều trị của bạn cũng có thể liên quan đến việc tìm hiểu các yếu tố khởi phát, theo dõi các triệu chứng một cách cẩn thận và thực hiện các bước để tránh cơn hen phế quản cấp tính.

Thuốc xử lý cơn hen nhanh

Những loại thuốc này chỉ nên được sử dụng trong trường hợp có các triệu chứng hen phế quản hoặc một cơn hen cấp tính. Chúng cung cấp cứu trợ nhanh chóng để giúp bạn thở trở lại.

Thuốc giãn phế quản

Thuốc giãn phế quản hoạt động trong vòng vài phút để thư giãn các cơ bị siết chặt xung quanh đường thở của bạn và giảm các triệu chứng nhanh chóng.

Mặc dù chúng có thể được dùng bằng đường uống hoặc tiêm, thuốc giãn phế quản thường được dùng bằng ống hít (khẩn cấp) hoặc xịt dạng phun sương.

Chúng có thể được sử dụng để điều trị các triệu chứng đột ngột của bệnh hen phế quản hoặc dùng trước khi tập thể dục để ngăn ngừa cơn hen kịch phát.

Sơ cứu điều trị cơn hen phế quản

Nếu bạn nghĩ rằng ai đó mà bạn biết đang lên cơn hen phế quả, hãy bảo họ ngồi thẳng lưng và hỗ trợ họ sử dụng ống hít khẩn cấp hoặc ống xịt phun sương.

Liều lượng sẽ khác nhau tùy thuộc vào loại thuốc. Kiểm tra hướng dẫn sử dụng để đảm bảo bạn biết bạn cần bao nhiêu nhát thuốc trong trường hợp bị xử lý cơn hen cấp tính.

Nếu các triệu chứng kéo dài hơn 20 phút và đợt thuốc thứ hai không đỡ, hãy đưa người bệnh đến trung tâm y tế gần nhất.

Nếu bạn thường xuyên phải sử dụng thuốc xử lý cơn hen nhanh, hãy hỏi bác sĩ về một loại thuốc khác để kiểm soát hen phế quản lâu dài.

Thuốc kiểm soát hen phế quản dài hạn

Những loại thuốc này được dùng hàng ngày để giúp giảm số lượng và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng hen phế quản của bạn, nhưng chúng không kiểm soát được các triệu chứng tức thời của cơn hen.

Thuốc kiểm soát hen phế quản dài hạn bao gồm:

  • Thuốc kháng viêm: Dùng chung với thuốc hít, corticosteroid và các loại thuốc kháng viêm khác giúp giảm sưng và tiết chất nhầy trong đường thở, giúp bạn dễ thở hơn.
  • Thuốc kháng cholinergic: Những thuốc này giúp ngăn chặn cơ đường thở của bạn co thắt lại. Chúng thường được dùng hàng ngày khi kết hợp với thuốc chống viêm.
  • Thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài: Chúng chỉ nên được sử dụng kết hợp với thuốc kháng viêm điều trị hen phế quản.

Thuốc tương tự sinh học (Biologics)

Các bác sĩ sử dụng thuốc tương tự sinh học để điều trị bệnh hen phế quản nặng và không đáp ứng với các loại thuốc khác hoặc điều trị bằng cách kiểm soát yếu tố khởi phát.

Chúng hoạt động bằng cách nhắm mục tiêu các kháng thể cụ thể trong cơ thể bạn. Điều này làm rối loạn con đường dẫn đến viêm nhiễm gây hen phế quả.

Có năm loại thuốc tương tự sinh học trên thị trường và những loại khác đang được phát triển. Những loại thuốc này cần được dùng bằng cách tiêm hoặc truyền tại cơ sở y tế.

Tái tạo phế quản bằng nhiệt (Bronchial thermoplasty)

Phương pháp điều trị này sử dụng một điện cực để làm nóng đường dẫn khí bên trong phổi, giúp giảm kích thước của cơ xung quanh và ngăn không cho cơ đường thở bị co lại và thắt chặt.

Thủ thuật xâm lấn tối thiểu này được thực hiện bởi bác sĩ tại phòng khám hoặc bệnh viện và thường mất khoảng một giờ.

Tái tạo phế quản bằng nhiệt được thực hiện cho những người mắc bệnh hen phế quản nặng và có thể giúp giảm các triệu chứng trong tối đa 5 năm.

Tuy nhiên, vì đây là một thủ tục tương đối mới nên nó chưa được phổ biến rộng rãi.

CƠN HEN PHẾ QUẢN CẤP TÍNH LÀ GÌ?

Khi các triệu chứng hen phế quản của bạn ngày càng trở nên tồi tệ hơn, nó được gọi là đợt kịch phát hoặc cơn hen phế quản cấp tính.

Nó ngày càng gây ra tình trạng khó thở vì niêm mạc đường thở bị viêm và sưng tấy lên và các ống phế quản bị thu hẹp lại.

Các triệu chứng của đợt cấp có thể bao gồm:

  • Tăng thông khí
  • Ho
  • Thở khò khè
  • Hụt hơi
  • Tăng nhịp tim
  • Kích động
  • Mất tỉnh táo
  • Môi xanh

Mặc dù đợt cấp có thể kết thúc nhanh chóng mà không cần dùng thuốc, nhưng bạn nên liên hệ với bác sĩ vì nó có thể đe dọa tính mạng.

Đợt cấp càng kéo dài, nó càng ảnh hưởng đến khả năng thở của bạn. Đó là lý do tại sao các đợt cấp thường phải đến ngay trung tâm y tế hoặc phòng cấp cứu gần nhất

Các đợt khởi phát cấp tính có thể được ngăn ngừa bằng cách dùng thuốc giúp kiểm soát các triệu chứng hen phế quản của bạn.

PHÒNG NGỪA VÀ QUẢN LÝ

Bởi vì các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác của bệnh hen phế quản nên rất khó để biết cách ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm.

Tuy nhiên, nhiều thông tin được biết về việc ngăn ngừa các cơn hen phế quản. Những chiến lược này bao gồm:

  • Tránh các yếu tố gây khởi phát: Tránh xa các hóa chất, mùi hoặc các sản phẩm đã gây ra các vấn đề về hô hấp trong quá khứ.
  • Giảm tiếp xúc với chất gây dị ứng: Nếu bạn đã xác định được các chất gây dị ứng, chẳng hạn như bụi hoặc nấm mốc, gây ra cơn hen, hãy tránh chúng nếu có thể.
  • Tiêm phòng dị ứng: Liệu pháp miễn dịch dị ứng là một phương pháp có thể giúp thay đổi hệ thống miễn dịch của bạn. Với các mũi tiêm phòng thông thường, cơ thể bạn có thể trở nên ít nhạy cảm hơn với bất kỳ tác nhân nào bạn gặp phải.
  • Uống thuốc dự phòng: Bác sĩ có thể kê toa thuốc cho bạn uống hàng ngày. Thuốc này có thể được sử dụng ngoài loại thuốc bạn sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

Bác sĩ có thể giúp bạn lên kế hoạch điều trị cho bệnh hen phế quản để bạn biết nên áp dụng phương pháp điều trị nào và khi nào sử dụng.

Ngoài việc sử dụng thuốc duy trì, bạn có thể thực hiện các bước sau đây mỗi ngày để giúp bản thân khỏe mạnh hơn và giảm nguy cơ xuất hiện cơn hen cấp tính. Bao gồm:

  • Chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng có thể giúp cải thiện sức khỏe toàn diện của bạn.
  • Duy trì cân nặng vừa phải: Bệnh hen phế quản có xu hướng nặng hơn ở những người thừa cân và béo phì. Giảm cân có lợi cho tim, khớp và phổi của bạn.
  • Bỏ hút thuốc, nếu bạn hút thuốc: Các chất kích thích như khói thuốc lá có thể gây ra bệnh hen phế quản và làm tăng nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (Chronic Obstructive Pulmonary Disease – COPD).
  • Tập thể dục thường xuyên: Hoạt động có thể gây ra cơn hen phế quản, nhưng tập thể dục thường xuyên thực sự có thể giúp giảm nguy cơ mắc các vấn đề về hô hấp.
  • Quản lý tình trạng căng thẳng: Căng thẳng có thể là tác nhân gây ra các triệu chứng hen phế quả. Căng thẳng cũng có thể làm cho việc ngăn chặn cơn hen phế quản trở nên khó khăn hơn.

Thực phẩm giàu chất dinh dưỡng rất quan trọng để giúp giảm các triệu chứng, nhưng dị ứng thực phẩm có thể gây ra các triệu chứng hen phế quản.

KHI NÀO ĐI KHÁM BÁC SĨ?

Hiện tại, có nhiều phương pháp điều trị hiệu quả có thể làm giảm các triệu chứng hen phế quản. Thay đổi lối sống và dùng thuốc cũng có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của bạn.

Nếu bạn chưa được chẩn đoán mắc bệnh hen phế quản nhưng đang có các triệu chứng như thở khò khè, ho hoặc khó thở, bạn nên đến cơ sở y tế để khám và điều trị.

Sau khi được chẩn đoán mắc bệnh hen phế quả, bạn nên đi khám bác sĩ ít nhất mỗi năm một lần hoặc thường xuyên hơn nếu bạn có các triệu chứng dai dẳng dù đã được điều trị.

Gọi ngay cho bác sĩ nếu bạn:

  • Cảm thấy không khỏe
  • Không thể thực hiện các hoạt động hàng ngày
  • Bị thở khò khè hoặc ho mãi không khỏi

Điều quan trọng là phải tự nhận thức về tình trạng của bạn và các triệu chứng của hen phế quản. Bạn càng biết nhiều, bạn càng có thể chủ động hơn trong việc cải thiện chức năng hô hấp và cảm giác của mình.

Nói chuyện với bác sĩ của bạn về:

  • Phân loại hen phế quản mà bạn đang mắc
  • Điều gì gây ra các triệu chứng của bạn
  • Phương pháp điều trị hàng ngày nào là tốt nhất cho bạn
  • Kế hoạch điều trị của bạn cho một cơn hen phế quản

KẾT LUẬN

Hen phế quản là tình trạng viêm đường hô hấp và gây khó thở. Nó có thể ảnh hưởng đến cả người lớn và trẻ em dưới các hình thức khác nhau và với các mức độ nghiêm trọng khác nhau.

Có nhiều loại thuốc để điều trị bệnh hen phế quản. Các phương pháp điều trị phổ biến nhất là thuốc giãn phế quản, có thể là ngắn hạn để điều trị cơn hen phế quản cấp tính hoặc dài hạn để kiểm soát các triệu chứng theo thời gian.

Thay đổi lối sống cũng có thể giúp giảm cơn hen phế quản. Điều này có thể bao gồm thay đổi chế độ ăn uống, tập thể dục hoặc kiểm soát tình trạng căng thẳng. Nói chuyện với bác sĩ của bạn để xác định phân loại hen phế quản mà bạn có thể mắc phải và các lựa chọn phương pháp điều trị và quản lý tình trạng sức khỏe tốt nhất cho bạn.

Nguồn bài dịch:

  • Asthma: Symptoms, Treatment, and Prevention (2023)

https://www.healthline.com/health/asthma

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *