Đái tháo đường – một bệnh lý mạn tính với các biến chứng mang lại những gánh nặng về sức khỏe, kinh tế cũng như chất lượng sống của người bệnh. Cùng với tình trạng mắc Đái tháo đường ngày càng tăng trong dân số, bài viết với mục đích tìm hiểu tổng quan về bệnh lý đái tháo đường, phân loại và dịch tễ bệnh hiện nay.
ĐÁI THÁO ĐƯỜNG LÀ GÌ?
Đái tháo đường là một bệnh lý mạn tính (kéo dài) ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa thức ăn thành năng lượng.
Cơ thể của bạn sẽ chuyển hóa hầu hết lượng thức ăn vào thành đường (glucose) và tiết vào máu. Khi lượng đường trong máu tăng lên, tuyến tụy sẽ giải phóng insulin. Insulin có nhiệm vụ vận chuyển đường từ máu vào các tế bào của cơ thể để sử dụng làm năng lượng.
Với bệnh đái tháo đường, cơ thể không tạo ra đủ insulin hoặc cơ thể không sử dụng insulin một cách có hiệu quả. Khi đó, lượng đường trong máu sẽ cao, nếu điều này kéo dài, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như bệnh tim, giảm thị lực hay bệnh thận.
Vẫn chưa có cách để điều trị triệt để bệnh đái tháo đường, tuy nhiên việc giảm cân, ăn uống lành mạnh và tăng vận động thực sự có ích. Những điều khác có thể giúp ích như:
- Uống thuốc theo toa của bác sĩ.
- Nhận sự giúp đỡ và giáo dục tự quản lý đái tháo đường.
- Tái khám định kì.
DỊCH TỄ BỆNH
Hơn 37 triệu người Mỹ trưởng thành mắc đái tháo đường, và cứ 5 người thì có 1 người không biết mình mắc đái tháo đường.
Đái tháo đường là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 7 tại Mỹ.
Bệnh đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây suy thận, cắt cụt chân và mù lòa ở người trưởng thành.
Trong 20 năm qua, người trưởng thành được chẩn đoán mắc đái tháo đường đã tăng lên gấp đôi.
PHÂN LOẠI
Có ba loại bệnh đái tháo đường chính: Đái tháo đường típ 1, đái tháo đường típ 2 và đái tháo đường thai kỳ (đái tháo đường mắc trong thời gian mang thai).
Đái tháo đường típ 1
Đái tháo đường típ 1 được cho là do phản ứng tự miễn (cơ thể tự tấn công do nhầm lẫn). Phản ứng tự miễn ngăn cơ thể sản xuất insulin, do vậy cơ thể sẽ không có insulin. Khoảng 5-10% những người mắc bệnh đái tháo đường thuộc típ 1.
Các triệu chứng của bệnh đái tháo đường típ 1 thường phát triển nhanh chóng và thường được chẩn đoán ở người trẻ (trẻ em, thanh thiếu niên).
Nếu mắc đái tháo đường típ 1, bạn sẽ cần dùng insulin mỗi ngày để sống sót vì cơ thể hoàn toàn không tiết ra được insulin. Hiện tại, không có cách ngăn ngừa đái tháo đường típ 1.
Đái tháo đường típ 2
Đái tháo đường típ 2 là tình trạng cơ thể không sử dụng insulin một cách hiệu quả (tình trạng đề kháng insulin) do đó không thể giữ lượng đường trong máu ở mức bình thường. Khoảng 90-95% bệnh nhân đái tháo đường thuộc típ 2. Bệnh phát triển trong nhiều năm và thường được chẩn đoán ở người lớn (nhưng ngày càng nhiều ở trẻ em và thanh thiếu niên).
Đái tháo đường típ 2 có thể sẽ không có triệu chứng, vì vậy điều quan trọng là phải kiểm tra đường huyết (lượng đường trong máu) nếu bạn có nguy cơ mắc bệnh.
Đái tháo đường típ 2 có thể được ngăn ngừa hoặc trì hoãn bằng cách thay đổi lối sống, chẳng hạn như:
- Giảm cân.
- Ăn uống lành mạnh.
- Tăng cường hoạt động thể chất.
Đái tháo đường thai kỳ
Đái tháo đường thai kỳ phát triển ở phụ nữ mang thai chưa bao giờ mắc đái tháo đường trước đây. Nếu bạn mắc đái tháo đường thai kỳ, thai nhi có thể có nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe cao hơn.
Đái tháo đường thai kỳ thường sẽ biến mất sau sinh, tuy nhiên nó làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường típ 2 của bạn sau này.
Và nếu mẹ mắc đái tháo đường thai kỳ, con sinh ra sẽ có nguy cơ béo phì khi còn nhỏ hoặc tăng nguy cơ phát triển đái tháo đường típ 2 trong suốt cuộc đời.
TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
Tại Hoa Kỳ, 96 triệu người trưởng thành (hơn 1/3 dân số) mắc tiền đái tháo đường và hơn 8 trong 10 người không biết mình mắc bệnh. Tiền đái tháo đường là tình trạng đường huyết cao hơn bình thường, nhưng không đủ cao để chẩn đoán đái tháo đường típ 2. Tiền đái tháo đường làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường típ 2, bệnh tim và đột quỵ. Tuy nhiên, tin tốt là tiền đái tháo đường có thể bị đảo ngược bởi việc thay đổi lối sống.
Link bài dịch:
- What is Diabetes?
https://www.cdc.gov/diabetes/basics/diabetes.html