Động kinh vắng ý thức (Absence seizures) hay động kinh cơn nhỏ (Petit Mal Seizures)

Động kinh vắng ý thức (Absence seizures) hay động kinh cơn nhỏ (Petit Mal Seizures)

ĐỘNG KINH VẮNG Ý THỨC LÀ GÌ?

Động kinh là một rối loạn của hệ thống thần kinh trung ương (thần kinh) trong đó hoạt động của não bị thay đổi, gây ra co giật hoặc thời gian hành vi và cảm giác bất thường và đôi khi là mất ý thức trong thời gian ngắn. Động kinh là những thay đổi tạm thời trong hoạt động của não. Các bác sĩ phân loại và điều trị các loại động kinh khác nhau dựa trên các loại cơn co giật mà chúng gây ra.

Cơn động kinh vắng ý thức, đôi khi được gọi là  động kinh cơn nhỏ diễn ra trong thời gian ngắn, thường kéo dài dưới 20 giây. Chúng gây ra các triệu chứng có thể hầu như không đáng chú ý. Những người bị những cơn động kinh này có thể khiến người bệnh trông giống như họ đang lơ mơ.

Đọc tiếp để tìm hiểu thêm về cơn động kinh vắng ý thức, bao gồm các triệu chứng điển hình, nguyên nhân và cách điều trị.

CÁC TRIỆU CHỨNG CỦA MỘT CƠN ĐỘNG KINH VẮNG Ý THỨC

Động kinh vắng ý thức thường ảnh hưởng nhất đến trẻ em trong độ tuổi từ 4 đến 12. Chúng cũng có thể xảy ra ở người lớn. Cơn động kinh vắng ý thức có xu hướng gây ra các triệu chứng ngắn hơn và nhẹ hơn so với cơn động kinh co cứng-co giật (tonic – clonic seizures), còn được gọi là cơn động kinh cơn lớn.

Theo Epilepsy Foundation, các cơn động kinh vắng ý thức thường kéo dài dưới 10 đến 20 giây. Các triệu chứng điển hình bao gồm:

  • Nhìn chằm chằm vào không gian
  • Đập môi vào nhau
  • Mí mắt rung
  • Ngắt lời giữa câu
  • Cử động tay đột ngột
  • Nghiêng về phía trước hoặc phía sau
  • Xuất hiện đột ngột bất động

Người lớn có thể nhầm những cơn động kinh vắng ý thức ở trẻ em là cư xử không đúng mực hoặc không chú ý. Giáo viên của trẻ thường là người đầu tiên nhận thấy các triệu chứng động kinh vắng ý thức. Đứa trẻ sẽ tạm thời mất ý thức khi xảy ra cơn động kinh.

Bạn thường có thể biết liệu một người có đang trải qua cơn động kinh vắng ý thức hay không vì họ không nhận thức được môi trường xung quanh, xúc giác và âm thanh của họ. Các cơn động kinh vắng ý thức thường xảy ra đột ngột và không có dấu hiệu báo trước. Điều này làm cho việc dự phòng động kinh trở nên quan trọng.

ĐIỀU GÌ GÂY RA MỘT CƠN ĐỘNG KINH VẮNG Ý THỨC?

Não bộ là một cơ quan phức tạp và cơ thể phụ thuộc vào sự chi phối và điều khiển của cơ quan này. Các tế bào thần kinh trong não gửi tín hiệu kích thích điện từ và hoạt hóa cho nhau để trao đổi thông tin. Động kinh là hậu quả của việc xảy ra những thay đổi trong hoạt động dẫn truyền thần kinh tại não bộ.

Trong cơn động kinh vắng ý thức, các tín hiệu điện não có thể tự lặp lại. Bạn cũng có thể bị thay đổi mức độ dẫn truyền thần kinh, là chất truyền tin hóa học giúp các tế bào não giao tiếp với nhau.

Các nhà nghiên cứu không biết nguyên nhân cụ thể của cơn động kinh vắng ý thức, nhưng yếu tố về di truyền được cho là môt trong những nguyên nhân chính gây nên bệnh lý này. Di truyền học vẫn chưa được hiểu rõ, nhưng một đánh giá nghiên cứu năm 2016 đã phát hiện ra rằng một số đột biến gen mã hóa kênh ion có thể góp phần vào khả năng mắc bệnh của những đối tượng được nghiên cứu với yếu tố gia đình.

CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ ĐỐI VỚI CƠN ĐỘNG KINH VẮNG Ý THỨC

Các yếu tố nguy cơ xuất hiện cơn động kinh vắng ý thức bao gồm:

  • Tuổi: Động kinh vắng ý thức thường xảy ra ở trẻ em từ 4 đến 12 tuổi. Dựa trên một nghiên cứu năm 2019, khả năng mắc bệnh này đạt đỉnh điểm vào khoảng 6 đến 7 tuổi.
  • Kích động: theo một đánh giá vào năm 2021, việc thở gấp hoặc kích động có thể gây ra cơn động kinh vắng ý thức ở một số người.
  • Giới tính: Trong một nghiên cứu năm 2019, các cơn động kinh vắng ý thức thường xảy ra ở trẻ gái hơn trẻ trai.
  • Tiền sử gia đình: Tiền sử gia đình mắc bệnh động kinh đã được báo cáo ở 41,8% trẻ em mắc chứng động kinh vắng ý thức ở tuổi vị thành niên. Động kinh vắng ý thức ở trẻ vị thành niên là một hội chứng động kinh được đặc trưng bởi các cơn vắng ý thức và các cơn co cứng-co giật toàn thể.

CẢM GIÁC THẾ NÀO KHI BỊ ĐỘNG KINH VẮNG Ý THỨC?

Mọi người có thể trải qua các cơn động kinh khác nhau, nhưng một số trải nghiêm mà người bệnh mô tả về các cơn động kinh vắng ý thức bao gồm:

  • Nhìn thấy quầng tối và dư ảnh xung quanh các vật thể
  • Trải qua cảm giác bồng bềnh hoặc não mù mịt
  • Cảm thấy tâm trí của bạn trở nên trống rỗng trong khi vẫn tỉnh táo
  • Nhận thức được những gì đang xảy ra nhưng không thể hành động
  • Nghe giọng nói vang vọng và trải nghiệm tầm nhìn mờ
  • Trải qua khoảng thời gian ngắn tĩnh lặng

CÁC CƠN ĐỘNG KINH VẮNG Ý THỨC ĐƯỢC CHẨN ĐOÁN NHƯ THẾ NÀO?

Các bác sĩ chuyên ngành thần kinh học, chuyên chẩn đoán các rối loạn hệ thần kinh, sẽ có những đánh giá:

  • Triệu chứng
  • Sức khỏe tổng quát
  • Thuốc điều trị hiện có
  • Các vấn đề tồn tại từ trước
  • Thăm dò hình ảnh chức năng và sóng não

Các bác sĩ sẽ cố gắng loại trừ các nguyên nhân khác gây ra các triệu chứng của bạn trước khi chẩn đoán cơn động kinh vắng ý thức. Họ có thể yêu cầu chụp MRI não để khảo sát. Quá trình quét này ghi lại các hình ảnh chi tiết về mạch não và các khu vực có thể có khối u.

Một cách khác để chẩn đoán tình trạng này là sử dụng đèn sáng, nhấp nháy hoặc thở gấp để kích hoạt cơn động kinh. Trong quá trình kiểm tra này, máy ghi điện não đồ (electroencephalography – EEG) đo sóng não để tìm bất kỳ thay đổi nào đối với hoạt động của não.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ BIẾT SỰ KHÁC BIỆT GIỮA CƠN ĐỘNG KINH VẮNG Ý THỨC VÀ MƠ MỘNG VÀO BAN NGÀY (daydreaming – là dòng ý thức tách rời khỏi hiện tại)

Có thể khó biết ai đó đang ở trạng thái mơ mộng vào ban ngày (daydreaming) hay có cơn động kinh vắng ý thức. Dưới đây là một số dấu hiệu phân biệt cần chú ý:

Trạng thái mơ mộng vào ban ngày (daydreaming)

  • Xảy ra trong thời gian buồn chán
  • Khởi phát chậm hơn
  • Dừng lại khi bị gián đoạn, chẳng hạn như nếu bạn gọi tên họ

Cơn động kinh vắng ý thức

  • Có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ngay cả khi hoạt động thể chất
  • Thường khởi phát nhanh chóng mà không có cảnh báo
  • Thường kết thúc trong khoảng 10 đến 20 giây, nhưng không thể bị gián đoạn

LÀM THẾ NÀO ĐỂ BIẾT SỰ KHÁC BIỆT GIỮA CƠN VẮNG Ý THỨC VÀ CƠN ĐỘNG KINH SUY GIẢM NHẬN THỨC KHU TRÚ (focal impaired awareness seizures)

Cơn động kinh suy giảm nhận thức khu trú (focal impaired awareness seizures), hoặc cơn động kinh cục bộ, bắt đầu ở một bên não. Epilepsy Foundation cho biết đây là loại động kinh phổ biến nhất ở người lớn. Những cơn động kinh này được gọi là cơn động kinh suy giảm nhận thức khu trú khi chúng gây ra những thay đổi về mức độ nhận thức của bạn. Một số cơn động kinh suy giảm nhận thức khu trú bị chẩn đoán nhầm là cơn vắng ý thức.

Một số đặc điểm chính điển hình của cơn động kinh suy giảm nhận thức khu trú hơn là cơn vắng ý thức bao gồm:

  • Ít hơn tần suất hàng ngày
  • Kéo dài hơn 30 đến 45 giây
  • Có sự nhầm lẫn và buồn ngủ sau cơn động kinh
  • Có nhìn thấy hào quang hoặc cảm giác lạ trước khi lên cơn động kinh

ĐỘNG KINH VẮNG Ý THỨC ĐƯỢC ĐIỀU TRỊ NHƯ THẾ NÀO?

Thuốc chống động kinh có thể điều trị cơn động kinh vắng ý thức. Việc sử dụng không đúng loại thuốc có thể ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị và mất thời gian. Bác sĩ của bạn có thể bắt đầu với liều thấp thuốc chống động kinh. Sau đó, họ có thể điều chỉnh liều dựa trên kết quả của bạn.

Một số ví dụ về các loại thuốc được sử dụng để điều trị chứng động kinh vắng ý thức là:

  • Ethosuximide (Zarontin)
  • Lamotrigine (Lamictal)
  • Axit valproic (Depakene, Stavzor)

Những người mắc động kinh vắng ý thức có thể muốn đeo vòng tay nhận dạng y tế. Điều này giúp những người khác biết phải làm gì trong trường hợp khẩn cấp. Bạn cũng có thể trao đổi tình trạng tình trạng của bản thân với những người thân trong gia đình của mình về những việc cần làm nếu cơn động kinh xảy ra.

CÁC BIẾN CHỨNG CỦA CƠN ĐỘNG KINH VẮNG Ý THỨC LÀ GÌ?

Cơn vắng ý thức thường kéo dài dưới 10 giây nhưng có thể kéo dài tới 20 giây. Người đó trở lại hành vi thông thường của họ sau cơn động kinh. Họ thường không nhớ những khoảnh khắc vừa qua hoặc bản thân cơn động kinh.

Mặc dù cơn vắng ý thức xảy ra trong não nhưng chúng không gây tổn thương não. Các cơn động kinh vắng ý thức sẽ không ảnh hưởng đến trí thông minh ở hầu hết trẻ em. Một số trẻ có thể gặp khó khăn trong học tập do mất ý thức. Những người khác có thể nghĩ rằng họ đang mơ mộng hoặc không chú ý.

Trong hầu hết các trường hợp, tác động lâu dài duy nhất của cơn động kinh vắng ý thức xảy ra nếu người đó bị ngã hoặc bị thương. Ngã không phải là điển hình trong loại động kinh này. Một người có thể trải qua cơn động kinh vắng ý thức hàng chục lần hoặc nhiều hơn mỗi ngày mà không có bất kỳ tác động tiêu cực nào.

Những người khác thường là người đầu tiên nhận thấy cơn động kinh vắng ý thức. Điều này là do người mắc bệnh không biết rằng họ đang bị động kinh

Trẻ em bị động kinh vắng ý thức thường vượt qua tình trạng này. Tuy nhiên, cơn động kinh vắng ý thức có thể tiếp tục. Một số người tiến triển thành cơn động kinh kéo dài hơn hoặc dữ dội hơn.

KẾT LUẬN

Khoảng 57 đến 74% trẻ em lớn lên khỏi cơn động kinh vắng ý thức ở tuổi thiếu niên. Dùng thuốc chống động kinh thường có thể giúp kiểm soát các cơn động kinh và tránh những khó khăn về mặt xã hội hoặc học tập.

Các cơn động kinh vắng ý thức vẫn tồn tại trong thời thơ ấu ở khoảng 10 đến 15% trẻ em. 10 đến 15% khác mắc đông kinh vắng ý thức dai dẳng với co giật co cứng-co giật toàn thể hoặc co giật cơ. Khoảng 5 đến 15% phát triển chứng Động kinh giật cơ ở thiếu niên (Juvenile Myoclonic Epilepsy). 

Một số hoạt động có thể gây nguy hiểm cho những người bị động kinh vắng ý thức. Điều này là do các cơn động kinh vắng ý thức gây ra tình trạng mất nhận thức tạm thời. Lái xe và bơi lội trong cơn động kinh vắng ý thức có thể gây tai nạn hoặc chết đuối.

Bác sĩ có thể hạn chế hoạt động của bạn cho đến khi họ chắc chắn rằng cơn động kinh của bạn đã được kiểm soát.

Link bài dịch: 

  • Absence Epilepsy (Petit Mal Seizures)

https://www.healthline.com/health/epilepsy/absence-petit-mal-seizures

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *