Những điều cần biết về rối loạn lo âu

Những điều cần biết về rối loạn lo âu

Trạng thái lo âu ảnh hưởng đến mọi người theo những cách khác nhau. Đôi khi, cảm giác sợ hãi không biến mất hoặc trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. Qua bài viết này, bạn có thể tìm hiểu về những ảnh hưởng của lo âu và cách quản lý lo âu.

LO ÂU LÀ GÌ?

Lo âu là phản ứng tự nhiên của cơ thể bạn đối với căng thẳng. Đó là cảm giác sợ hãi hoặc lo ngại về những điều sắp xảy ra. Ví dụ, đi phỏng vấn xin việc hoặc phát biểu vào ngày đầu tiên đến trường có thể khiến một số người cảm thấy sợ hãi và lo lắng.

Nhưng nếu cảm giác lo lắng của bạn quá mức, kéo dài ít nhất 6 tháng và ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn, thì bạn có thể mắc chứng rối loạn lo âu.

RỐI LOẠN LO ÂU LÀ GÌ?

Việc cảm thấy lo lắng khi chuyển đến một nơi ở mới, bắt đầu một công việc mới hoặc làm bài kiểm tra là điều bình thường. Kiểu lo lắng này không dễ chịu, nhưng nó có thể thúc đẩy bạn làm việc chăm chỉ hơn và hoàn thành công việc tốt hơn. Lo lắng thông thường là một cảm giác đến rồi đi nhưng không cản trở cuộc sống hàng ngày.

Trong trường hợp mắc chứng rối loạn lo âu, cảm giác sợ hãi có thể luôn hiện diện. Cảm giác lo lắng dữ dội và đôi khi làm suy yếu cơ thể.

Rối loạn lo âu có thể khiến bạn dừng làm những việc bạn thích. Ví dụ: nó có thể ngăn bạn sử dụng thang máy, băng qua đường hoặc thậm chí trong những trường hợp nặng có thể cản trở việc bạn rời khỏi nhà. Nếu không được điều trị, rối loạn lo âu sẽ tiếp tục trở nên tồi tệ hơn.

Rối loạn lo âu là dạng rối loạn cảm xúc phổ biến nhất và có thể ảnh hưởng đến mọi đối tượng. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (APA), phụ nữ có nhiều khả năng mắc chứng rối loạn lo âu hơn nam giới.

PHÂN LOẠI

Lo âu thuộc về một số rối loạn khác nhau, bao gồm:

  • Rối loạn hoảng sợ: Có nghĩa là trải qua các cơn hoảng loạn định kỳ vào những thời điểm bất ngờ.
  • Ám ảnh sợ hãi: Đây là nỗi sợ hãi quá mức đối với một đối tượng, tình huống hoặc hoạt động cụ thể.
  • Rối loạn lo âu xã hội: Đây là nỗi sợ hãi tột độ khi bị người khác đánh giá trong các tình huống xã hội.
  • Rối loạn ám ảnh cưỡng chế: Điều này có nghĩa là bạn có những suy nghĩ không hợp lý lặp đi lặp lại khiến bạn thực hiện những hành vi cụ thể, lặp đi lặp lại.
  • Rối loạn lo âu chia ly: Điều này có nghĩa là bạn sợ phải xa nhà hoặc những người thân yêu của mình.
  • Rối loạn lo âu về bệnh tật: Đây là sự lo lắng về tình trạng sức khỏe của bản thân (trước đây gọi là chứng nghi bệnh – hypochondria).

Ngoài ra, một số tình trạng bệnh lý và sức khỏe tâm thần có thể xem lo âu là một triệu chứng, bao gồm:

  • Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD): Đây là sự lo lắng xảy ra sau một sự kiện đau thương.
  • Rối loạn trầm cảm chủ yếu: Có sự liên hệ chặt chẽ giữa trầm cảm và lo âu.
  • Bệnh mạn tính: Mắc các tình trạng bệnh lý như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và bệnh đái tháo đường có thể dẫn đến các triệu chứng lo âu.
  • Bệnh lý viêm: Lo lắng có thể dẫn đến tình trạng viêm mãn tính và các bệnh như viêm khớp.
  • Rối loạn sử dụng chất kích thích: Nhiều người mắc chứng lo âu có thể cố gắng tự dùng thuốc để giúp kiểm soát các triệu chứng.
  • Đau mạn tính: Lo lắng thường gặp ở những người bị rối loạn đau mạn tính.

TRIỆU CHỨNG

Lo âu là khác nhau tùy thuộc vào trải nghiệm của từng người. Các cảm giác có thể bao gồm từ cảm giác bồn chồn trong bụng đến hồi hộp tim đập nhanh. Bạn có thể cảm thấy mất kiểm soát giống như có sự mất kết nối giữa tâm trí và cơ thể.

Thông thường, bạn có thể cảm thấy sợ hãi và lo lắng, hoặc bạn có thể sợ một địa điểm hay sự kiện cụ thể. Trong một số trường hợp, bạn có thể trải qua một cơn hoảng loạn.

Các triệu chứng lo âu có thể bao gồm:

  • Những suy nghĩ hay niềm tin khó có thể kiểm soát được;
  • Bồn chồn;
  • Khó tập trung;
  • Khó ngủ;
  • Mệt mỏi;
  • Cáu gắt;
  • Đau nhức không rõ nguyên nhân.

Các triệu chứng lo âu của bạn có thể khác với của người khác. Đó là lý do tại sao bạn cần biết lo âu có biểu hiện như thế nào.

CƠN HOẢNG LOẠN

Cơn hoảng loạn là cảm giác sợ hãi tột độ xảy ra đột ngột và đạt đỉnh điểm trong vòng 10 đến 20 phút. Nguyên nhân ban đầu của nỗi sợ hãi có thể được biết hoặc không.

Các triệu chứng thực thể có thể giống hệt một cơn đau tim. Sau khi trải qua một cơn hoảng loạn, các triệu chứng càng trở nên tồi tệ hơn nếu bạn tin rằng mình có thể bị đau tim hoặc gặp trường hợp khẩn cấp về sức khỏe tâm thần. Một nỗi sợ hãi phổ biến có thể làm trầm trọng thêm cơn hoảng loạn là nỗi sợ rằng mình có thể bị đánh giá tiêu cực nếu bị cơn hoảng loạn ở nơi công cộng.

Các cơn hoảng loạn có thể khác nhau rất nhiều và các triệu chứng khác biệt ở từng người. Ngoài ra, nhiều triệu chứng lo âu không xảy ra với tất cả mọi người và có thể thay đổi theo thời gian.

Các triệu chứng phổ biến của cơn hoảng loạn bao gồm:

  • Đau ngực;
  • Cảm giác nghẹt thở;
  • Sợ hãi mất kiểm soát;
  • Cảm giác diệt vong sắp xảy ra;
  • Đổ mồ hôi, ớn lạnh và bốc hỏa;
  • Run;
  • Tê và ngứa ran ở tay, chân hoặc mặt;
  • Buồn nôn hoặc đau bụng;
  • Hụt hơi;
  • Sợ chết.

Khi bạn trải qua các cơn hoảng loạn hoặc lo âu lặp đi lặp lại, bạn có thể mắc chứng rối loạn hoảng sợ.

NGUYÊN NHÂN

Các chuyên gia không chắc chắn về nguyên nhân chính xác của lo âu. Nhưng khả năng là sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau

Những nguyên nhân gây lo âu có thể kể đến như:

  • Căng thẳng;
  • Các tính trạng bệnh lý khác như trầm cảm hoặc đái tháo đường;
  • Người thân bậc 1 mắc chứng rối loạn lo âu lan tỏa;
  • Lo lắng liên quan đến môi trường, chẳng hạn như lạm dụng trẻ em;
  • Sử dụng chất kích thích;
  • Các tình huống như phẫu thuật hoặc rủi ro nghề nghiệp.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu tin rằng lo âu bắt nguồn từ các vùng não chịu trách nhiệm kiểm soát nỗi sợ hãi, lưu trữ và truy xuất các ký ức liên quan đến cảm xúc và nỗi sợ hãi.

YẾU TỐ NGUY CƠ

Với mỗi loại lo âu, có những yếu tố nguy cơ khác nhau. Nhưng có một số ảnh hưởng chung, bao gồm:

  • Đặc điểm tính cách: Điều này bao gồm sự nhút nhát và lo lắng từ nhỏ.
  • Tiền căn: Điều này bao gồm việc tiếp xúc với các sự kiện tiêu cực hoặc căng thẳng.
  • Di truyền: Trong số những người được chẩn đoán mắc chứng lo âu, 25% có người thân bậc một cũng được chẩn đoán mắc chứng lo âu.
  • Tình trạng bệnh lý khác: Các vấn đề về tuyến giáp và các tình trạng sức khỏe khác có thể khiến bạn dễ lo âu.
  • Chất kích thích: Sử dụng caffein, các chất cụ thể và thuốc có thể làm trầm trọng thêm triệu chứng lo âu.

CHẨN ĐOÁN

Một bài đánh giá duy nhất không đủ để chẩn đoán lo âu. Thay vào đó, chẩn đoán lo âu đòi hỏi một quá trình dài khám sức khỏe, kiểm tra sức khỏe tâm thần và bảng câu hỏi tâm lý.

Một số bác sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe có thể tiến hành khám sức khỏe, bao gồm xét nghiệm máu hoặc nước tiểu để loại trừ các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn có thể góp phần gây ra các triệu chứng mà bạn mắc phải.

Một số bài kiểm tra và thang điểm lo âu cũng được sử dụng để giúp bác sĩ đánh giá mức độ lo âu mà bạn đang gặp phải.

ĐIỀU TRỊ

Sau khi được chẩn đoán mắc chứng lo âu, bạn có thể lựa chọn phương pháp điều trị với bác sĩ.

Điều trị có thể giúp bạn kiểm soát các triệu chứng và quản lý cuộc sống hàng ngày.

Điều trị lo âu gồm ba loại:

  • Liệu pháp tâm lý: Có thể bao gồm liệu pháp nhận thức hành vi hay liệu pháp phơi nhiễm và ngăn ngừa phản ứng.
  • Liệu pháp y học bổ sung: Các chiến lược chánh niệm, yoga và quản lý bản thân như quản lý căng thẳng là những cách để điều trị chứng lo âu bằng các phương pháp thay thế.
  • Thuốc: Bác sĩ kê đơn thuốc chống lo âu và chống trầm cảm.

Gặp gỡ nhà trị liệu hoặc nhà tâm lý học có thể giúp bạn tìm hiểu các phương pháp và chiến lược để đối phó khi căng thẳng xảy ra.

Các loại thuốc thường được sử dụng để điều trị chứng lo âu bao gồm benzodiazepine để giảm triệu chứng trong thời gian ngắn, tuy nhiên nếu có thể nên hạn chế sử dụng do nguy cơ phụ thuộc thuốc cao. Các loại thuốc chống lo âu hoặc chống trầm cảm khác như escitalopram làm thay đổi chất hóa học trong não để cải thiện tâm trạng và giảm căng thẳng.

Một số loại thuốc thường được sử dụng khác bao gồm:

  • Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs): Escitalopram, fluoxetine và paroxetine là những SSRI phổ biến.
  • Thuốc ức chế tái hấp thu norepinephrine chọn lọc (SNRIs): Duloxetine và venlafaxine là những SNRI phổ biến.
  • Thuốc chống loạn thần: Quetiapine và aripiprazole là thuốc chống loạn thần phổ biến.
  • Benzodiazepine: Diazepam và clonazepam là những loại thuốc benzodiazepine phổ biến.
  • Thuốc giảm lo âu: Buspirone là một loại thuốc giảm lo âu phổ biến.

PHƯƠNG PHÁP TỰ NHIÊN

Thay đổi lối sống có thể giảm bớt một số căng thẳng và lo lắng mà bạn phải đối mặt hàng ngày một cách hiệu quả. Hầu hết các phương pháp tự nhiên bao gồm chăm sóc cơ thể,  tham gia vào các hoạt động lành mạnh đồng thời loại bỏ những hoạt động không lành mạnh, bao gồm:

  • Ngủ đủ giấc;
  • Thiền;
  • Duy trì hoạt động và tập thể dục;
  • Chế độ ăn uống lành mạnh;
  • Tránh uống rượu;
  • Tránh caffein;
  • Bỏ thuốc lá.

LO ÂU VÀ TRẦM CẢM

Nếu bạn mắc rối loạn lo âu, bạn cũng có thể mắc trầm cảm. Mặc dù lo âu và trầm cảm có thể xảy ra riêng lẻ, nhưng không có gì lạ khi các rối loạn sức khỏe tâm thần xảy ra cùng nhau.

Lo âu có thể là một triệu chứng của chứng trầm cảm lâm sàng hay trầm cảm chủ yếu. Tương tự như vậy, các triệu chứng trầm cảm ngày càng trầm trọng có thể bị kích hoạt bởi chứng rối loạn lo âu.

Bạn có thể kiểm soát các triệu chứng của cả hai tình trạng bằng nhiều phương pháp điều trị giống nhau: liệu pháp tâm lý (tư vấn), thuốc và thay đổi lối sống.

LO ÂU Ở TRẺ EM

Lo âu ở trẻ em là điều tự nhiên. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) 9,4% trẻ em và thanh thiếu niên từ 3 đến 17 tuổi được chẩn đoán mắc chứng lo âu.

Khi trẻ lớn lên, trẻ phải vượt qua những lo lắng và sợ hãi mà chúng cảm thấy khi còn nhỏ. Trẻ có thể được xem là rối loạn lo âu nếu chúng sợ phải xa cha mẹ, thể hiện sự sợ hãi tột độ và các triệu chứng lo âu khác cản trở cuộc sống hàng ngày.

Lo âu ở trẻ em cũng có thể trở thành mạn tính và dai dẳng, với sự lo lắng không kiểm soát được khiến trẻ tránh tương tác với bạn bè hoặc thành viên gia đình.

Các triệu chứng rối loạn lo âu ở trẻ em có thể bao gồm:

  • Tức giận;
  • Cáu gắt;
  • Khó ngủ;
  • Cảm giác sợ hãi;
  • Mệt mỏi;
  • Nhức đầu;
  • Đau dạ dày.

Điều trị lo âu cho trẻ em bao gồm liệu pháp nhận thức hành vi (trị liệu bằng lời nói) và thuốc.

LO ÂU Ở THANH THIẾU NIÊN

Thanh thiếu niên có thể có nhiều lý do để lo lắng. Các bài kiểm tra, vào đại học và những cuộc hẹn hò đầu tiên đều có thể dẫn đến lo lắng. Thanh thiếu niên được xem là mắc rối loạn lo âu nếu thường xuyên cảm thấy lo lắng hoặc có các triệu chứng lo âu.

Các triệu chứng lo âu ở thanh thiếu niên có thể bao gồm căng thẳng, nhút nhát, hành vi cô lập và tránh né. Tương tự như vậy, lo âu ở thanh thiếu niên có thể dẫn đến những hành vi bất thường.

Ví dụ, họ có thể hành động, thể hiện kém ở trường, bỏ qua các sự kiện xã hội và thậm chí tham gia vào việc sử dụng chất gây nghiện hoặc rượu.

Ở một số thanh thiếu niên, trầm cảm có thể đi kèm với lo âu. Chẩn đoán cả hai tình trạng là điều cần thiết để điều trị giải quyết các vấn đề tiềm ẩn và giúp giảm các triệu chứng.

Các phương pháp điều trị phổ biến nhất cho chứng lo âu ở thanh thiếu niên là trị liệu bằng lời nói và dùng thuốc. Những phương pháp điều trị này cũng giúp giải quyết các triệu chứng trầm cảm.

LO ÂU VÀ CĂNG THẲNG

Căng thẳng và lo âu có liên quan nhưng là hai tình trạng khác nhau. Căng thẳng là một phản ứng điển hình và lành mạnh đối với một sự kiện có thể xác định được khiến bạn lo lắng, chẳng hạn như bài kiểm tra sắp tới, bài thuyết trình, đám cưới hoặc thay đổi lớn trong cuộc sống của bạn.

Căng thẳng sẽ biến mất khi tác nhân kích hoạt biến mất. Mặt khác, lo âu vẫn tồn tại ngoài bất kỳ yếu tố kích hoạt nào và có thể tồn tại mà không có yếu tố kích hoạt. Một người có thể cần điều trị để lo âu biến mất.

Cả lo âu và căng thẳng đều đáp ứng tốt với hoạt động thể chất, vệ sinh giấc ngủ và chế độ ăn uống lành mạnh. Nhưng nếu sự lo âu và căng thẳng không đáp ứng tốt và bạn cảm thấy suy giảm hoạt động hàng ngày, hãy gặp bác sĩ để nhận được một kế hoạch điều trị phù hợp.

Khi bạn gặp các triệu chứng lo âu, chúng có thể biểu hiện dưới dạng các triệu chứng như:

  • Chóng mặt;
  • Mệt mỏi;
  • Tim đập nhanh;
  • Đau và căng cơ;
  • Run;
  • Khô miệng;
  • Đổ nhiều mồ hôi;
  • Đau bụng;
  • Đau đầu;
  • Mất ngủ.

Căng thẳng hay lo lắng không phải lúc nào cũng xấu. Cả hai đều có thể mang đến cho bạn động lực, khuyến khích hoàn thành nhiệm vụ hay thử thách. Nhưng nếu những cảm giác này trở nên dai dẳng, chúng có thể bắt đầu cản trở cuộc sống hàng ngày của bạn. Trong trường hợp đó, điều quan trọng là phải được điều trị.

Về lâu dài, những người bị trầm cảm và lo âu không được điều trị sẽ gặp các vấn đề sức khỏe mạn tính, chẳng hạn như bệnh tim.

LO ÂU VÀ RƯỢU

Nếu bạn thường xuyên lo lắng, bạn có thể muốn uống một chút gì đó để xoa dịu. Rốt cuộc, rượu là một loại thuốc an thần. Ngoài ra, rượu có thể làm giảm hoạt động của hệ thống thần kinh trung ương, điều này có thể giúp bạn cảm thấy thư giãn hơn.

Một số người mắc rối loạn lo âu thường lạm dụng rượu hoặc các loại chất gây nghiện khác để cảm thấy tốt hơn, điều này có thể sẽ dẫn đến phụ thuộc và nghiện.

Có thể cần phải điều trị các vấn đề liên quan đến rượu hay chất gây nghiện trước khi giải quyết lo âu. Việc sử dụng rượu và chất gây nghiện lâu dài cuối cùng có thể dẫn đến tình trạng lo âu trở nên tồi tệ hơn.

THỰC PHẨM BỔ SUNG

Các bác sĩ thường sử dụng thuốc và trị liệu bằng lời nói để điều trị lo âu. Những thay đổi lối sống, chẳng hạn như ngủ đủ giấc và tập thể dục thường xuyên, cũng có thể hữu ích. Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy thực phẩm có thể có tác động có lợi đến não trong trường hợp lo âu.

Những thực phẩm này bao gồm:

  • Hạt lanh và hạt chia;
  • Cá béo như cá thu và cá hồi;
  • Nghệ;
  • Vitamin D;
  • Magie;
  • Tryptophan.

PHÒNG NGỪA

Trẻ em và thanh thiếu niên

Mặc dù không biết tại sao lo âu phát triển ở trẻ em và thanh thiếu niên. Nhưng có những cách tiếp cận sức khỏe cộng đồng có tác dụng ngăn ngừa chứng rối loạn này, bao gồm:

  • Ngăn ngừa tự tử;
  • Phòng chống bắt nạt;
  • Phòng chống bạo lực thanh thiếu niên;
  • Phòng chống ngược đãi trẻ em;
  • Chương trình sức khỏe tâm thần.

Là cha mẹ, bạn có thể giao tiếp cởi mở và trung thực với con mình đồng thời đảm bảo rằng trẻ đang đưa ra những quyết định lành mạnh.

Ngoài ra, trong trường hợp trẻ em và thanh thiếu niên cảm thấy lo lắng với những vấn đề xảy ra trong gia đình, thì nên thực hiện liệu pháp gia đình (family therapy). Điều này đặc biệt quan trọng vì trẻ em và thanh thiếu niên có thể không dễ dàng nói ra cảm xúc hoặc nhận thức được sự lo âu của mình.

Người trưởng thành

Có nhiều cách để ngăn chặn lo âu và các triệu chứng của chúng, bao gồm:

  • Tránh né: Tránh người, địa điểm và tình huống có thể làm giảm căng thẳng và lo âu. Nhưng đây là một chiến lược ngắn hạn. Về lâu dài, sẽ tốt hơn nếu bạn được điều trị để không cần phải tránh tác nhân gây bệnh nữa.
  • Quản lý căng thẳng và chánh niệm: Thực hành quản lý căng thẳng và chánh niệm ngăn ngừa căng thẳng.
  • Hạn chế caffein: Caffeine có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng lo âu.
  • Các nhóm hỗ trợ: Trò chuyện với người khác là một cơ hội để chia sẻ các kinh nghiệm và kế hoạch đối phó với tình trạng lo âu.
  • Trị liệu: Nói chuyện với bác sĩ trị liệu có thể giúp bạn phát triển những cách hiệu quả hơn để đối phó với nỗi sợ hãi và căng thẳng dẫn đến lo âu.
  • Trao đổi với bác sĩ về thuốc đang sử dụng: Trao đổi với bác sĩ về liều lượng, hiệu quả và tác dụng phụ của thuốc để đảm bảo mọi tình trạng bệnh lý được điều trị đầy đủ và theo dõi các tác dụng phụ liên quan đến lo âu.

KẾT LUẬN

Bạn có thể điều trị chứng lo âu bằng thuốc, liệu pháp tâm lý hoặc kết hợp cả hai.

Nhưng một số người mắc chứng rối loạn lo âu nhẹ, hoặc sợ hãi điều gì đó mà họ có thể dễ dàng tránh được, quyết định sống chung với tình trạng này và không điều trị.

Tuy nhiên, tránh kích hoạt thực sự có thể làm cho sự lo lắng trở nên tồi tệ hơn trong thời gian dài. Điều trị có thể giúp bạn vượt qua nhu cầu tránh kích hoạt.

Điều quan trọng là phải hiểu rằng rối loạn lo âu có thể được điều trị, ngay cả trong những trường hợp nghiêm trọng. Mặc dù sự lo âu thường không biến mất, nhưng bạn có thể học cách quản lý và sống một cuộc sống hạnh phúc, khỏe mạnh.

Link bài dịch:

  • Everything You Need to Know About Anxiety

https://www.healthline.com/health/anxiety

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *